Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 9 doanh nghiệp là thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu cùng với hơn 300 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Gần đây thị trường xăng dầu có nhiều bất ổn, có lúc thị trường xăng dầu khan hiếm và có những biến động giá liên tục. Từ đó nhiều doanh nghiệp ngại nhập khẩu, một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu không kịp thời dẫn đến nguồn cung cho các đại lý bán lẻ rất hạn chế. Nhiều cây xăng đã đóng cửa, do kinh doanh thua lỗ.
Theo sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, mấy ngày qua, sở đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Qua đó tỉnh phát hiện 27 cửa hàng nghỉ lâu dài do hết vốn, nhiều cử hàng có liên quan đến việc mua bán xăng dầu kém chất lượng. Ngoài ra Vĩnh Long còn có 14 cửa hàng xăng dầu mới xin nghỉ do hết hàng, hoặc đang sửa chữa nâng cấp.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Dở Công thương tỉnh Vĩnh Long cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra xử lý các cây xăng lợi dụng thời điểm khó khăn này để thực hiện hành vi vi phạm: "Sở Công thương đã chỉ đạo thanh tra tham mưu cho Ban chỉ đạo 389, phối hợp các lực lượng liên ngành để tăng cường làm việc với các thương nhân và các đơn vị đầu mối phải có ràng buộc, buộc họ phải có cam kêt trách nhiệm để đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu trên địa bàn tỉnh".
Tại tỉnh Bến Tre, trước tình hình giá xăng dầu tăng giảm bất thường, hoa hồng quá thắp, thậm chí bằng không, khiến các đại lý kinh doanh xăng dầu tại tỉnh Bến Tre khó cầm cự. Hiện tại, đã có 11 cửa hàng kinh doanh mặt hàng này xin phép đóng cửa; trong đó có 2 cửa hàng đang tạm ngưng sửa chữa, 1 cửa hàng đóng cửa, số còn lại Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường vận động các đại lý kinh doanh xăng dầu tiếp tục hoạt động. Do càng bán nhiều càng thua lỗ nên cửa hàng chỉ bán cầm chừng, ưu tiên cho khách hàng quen thuộc và cắt giảm thời gian, nhân viên bán hàng.
Ônh Trần Công Nhiệm, Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Đại Lợi tại thành phố Bến Tre cho biết, có 8 cửa hàng kinh doanh xăng dầu với hoa hồng 0 đồng, nhưng đến ngày nay nguồn xăng dầu đã cạn bồn. Trong khi đó, các đơn vị phân phối thì chậm cung ứng nhiên liệu nên có nguy cơ một số cửa hàng sẽ đóng cửa vì hết xăng dầu.
Ông Nhiệm bức xúc: “Bây giờ xăng dầu không hoa hồng mà cũng không có hàng. Tôi thua lỗ nhưng cố gắng bán, các doanh nghiệp đầu mối hứa xe xăng dầu sáng mai mới về. Dù bức xúc nhưng mình chịu bán khi nào bên kia hết hàng thì nghỉ vì mình cũng yêu cái nghề này. Nếu đóng cửa bỏ thì hư hỏng đồ nghề với mai mốt bán lại không có nhân viên. Ngày mai không có hàng, cửa hàng nào hết thật sự thì nghỉ”.
Tại Tiền Giang, các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh xăng dầu cũng hoạt động trong tình trạng khốn khó do thua lỗ. Toàn tỉnh đã có khoảng 20 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có nhu cầu tạm nghỉ, các cửa hàng, đại lý kinh doanh mặt hàng này đang bán “cầm cự” mong chờ giá hoa hồng lên. Các thương nhân, doanh nghiệp cung ứng xăng dầu trên địa bàn cũng trong tình trạng thua lỗ, giảm nguồn cung.
Cá biệt, công ty TNHH xăng dầu Thiên Hộ tại thành phố Mỹ Tho đã duy trì hoạt động khoảng 60 đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh với hoa hồng 100 đồng/lít. Chủ doanh nghiệp vận động các đại lý trực thuộc cố gắng khắc phục khó khăn, hỗ trợ tiền vận chuyển nhiên liệu để duy trì các cửa hàng.
Ông Lê Vĩnh Long, Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Thiên Hộ chia sẻ: "Bên tôi nhận hàng bình thường, nói chung hoa hồng thấp thôi chứ hàng hóa đầy đủ. Hoa hồng 100 đồng/lít đương nhiên là lỗ, bây giờ cũng phái ráng bán phục vụ để chờ từ từ. Giá thì lúc tăng, lúc giảm bây giờ giá thấp mai mốt tăng bù lại".
Cũng liên quan đến vấn đề này, thời gian qua, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Cà Mau không ổn định. Đặc biệt, tại các vùng ven biển, tập trung nhiều tàu ghe đánh bắt hải sản. Trước tình hình trên, lực lượng chức năng địa phương đã tăng cường các giải pháp. Mới đây, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Cà Mau trong quá trình kiểm tra đã phát hiện Công ty TNHH Xăng dầu V-Đ (ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) bán dầu DO cao hơn giá quy định và đã tiến hành xử phạt 25 triệu đồng.
Các giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát đã góp phần giúp tình hình thị trường xăng dầu dần ổn định. Toàn tỉnh Cà Mau đang có 348 cửa hàng xăng dầu hoạt động.
Ông Huỳnh Vũ Phong, Cục Trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh Cà Mau cho biết, một số địa bàn miền biển của tỉnh như thị trấn Sông Đốc, thị trấn Rạch Gốc, xã Khánh Hội,… có đông tàu ghe, nhu cầu nhiên liệu dầu lớn. Tuy nhiên, đường vận chuyển lại khó khăn nên thời gian qua xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung cục bộ. Hiện các cửa hàng bán xăng dầu trên địa bàn hoạt động bình thường, không xuất hiện cửa hàng hết xăng, dầu dừng hoạt động.
“Tình hình kinh doanh xăng dầu ở Cà Mau khá ổn định. Qua kiểm tra, giám sát thì các cửa hàng xăng dầu đủ điều kiện đều hoạt động. Lượng xăng dầu cũng đã bán đủ chứ không còn thiếu”, ông Phong nói./.
Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL