Mở cửa du lịch: Sẵn sàng nhưng vẫn phải chờ

Dù ngành du lịch đã có kế hoạch đón khách chi tiết, chính sách thị thực phù hợp, doanh nghiệp du lịch, hàng không… đã sẵn sàng, nhưng vẫn phải chờ ngành y tế

 

Theo kế hoạch, hoạt động du lịch chính thức mở cửa trở lại từ ngày 15/3/2022 với tất cả hoạt động du lịch quốc tế và du lịch nội địa. Mặc dù ngành du lịch đã có kế hoạch đón khách chi tiết, có chính sách thị thực phù hợp, doanh nghiệp du lịch, hàng không… đã sẵn sàng, nhưng tất cả vẫn phải chờ ngành y tế.

Vẫn phải chờ Bộ Y tế

Triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời trong điều kiện “bình thường mới” thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã đề xuất Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả và được Chính phủ đồng ý chính thức triển khai từ ngày 15/3/2022.

Trong buổi họp báo về việc thông tin chính thức mở lại hoạt động du lịch diễn ra chiều 15/3, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 32/NQ-CP về việc miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia nhập cảnh Việt Nam không phân biệt hộ chiếu, mục đích nhập cảnh từ ngày 15/3/2022. Đây là một trong những chính sách kịp thời của Chính phủ nhằm hỗ trợ phục hồi ngành du lịch Việt Nam, tạo đà thuận lợi cho lộ trình mở cửa du lịch quốc tế.

Cũng theo ông Khánh, Tổng cục Du lịch đã có hướng dẫn chi tiết cho các doanh nghiệp đón khách du lịch trở lại. Tuy nhiên, cho đến chiều ngày 15/3, hướng dẫn này chưa thể chính thức ban hành do vẫn đang chờ văn bản cuối cùng từ Bộ Y tế về hướng dẫn quy định nhập cảnh.

“Chúng ta rất chia sẻ với những người ở tuyến đầu phòng chống dịch, việc thận trọng của ngành y tế là cần thiết. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bối cảnh và điều kiện đã thay đổi rất nhiều, ngành y tế cần xem xét ban hành những quy định phù hợp với người nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó có khách du lịch”, ông Khánh chia sẻ.

Cần có lộ trình đón khách du lịch quốc tế. Ảnh: Hà Nguyên

Tối ngày 15/3, trong cuộc gặp với các đại sứ quán, cơ quan ngoại giao và các bộ, ngành liên quan về việc mở cửa du lịch do Bộ VH-TT&DL phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Tôi tuyên bố chúng ta không chỉ mở cửa du lịch mà còn mở cửa giao lưu, giao thương quốc tế từ 15/3 như trước dịch Covid-19, với tinh thần không phân biệt khách quốc tế với người Việt trên phương diện chống dịch”.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc mở cửa du lịch đã tuân theo một lộ trình, từ chỉ đạo của Chính phủ tới đề xuất của các bộ, ngành. Diễn biến dịch bệnh, số ca nhiễm tăng cao đều nằm trong tính toán, có phương án để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ VH-TT&DL cùng Bộ Y tế cố gắng công bố ngay các quy định cụ thể cho du khách.

“Đây là lúc du lịch đứng lên để đi, tất cả chúng ta, từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp tới người dân phải đồng hành cùng nhau. Hy vọng từ đây dịch bệnh đã được kiểm soát, cơ hội rộng mở để làm tốt hơn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ.

Doanh nghiệp thấp thỏm

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Tổng giám đốc Thường trực Bamboo Airways, chia sẻ, dù quy định là gì thì hôm nay cần có thông điệp toàn diện để gửi tới cộng đồng doanh nghiệp và du khách rằng Việt Nam mở cửa. Chúng tôi tin tất cả doanh nghiệp đều đã sẵn sàng, thông điệp này sẽ tích cực với chúng ta trong cạnh tranh điểm đến.

Phó TGĐ Vietjet, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, Vietjet sẽ khai thác lại tất cả đường bay trong nước vào tháng 5 và đối với đường bay quốc tế là tháng 6. Để phục hồi du lịch trong thời gian ngắn nhất, hàng không cũng như lữ hành cần bắt tay nhau để thực hiện các chương trình. Cần có điều kiện và mức giá tốt để kéo khách hàng quay trở lại. Khi khách quay trở lại thì họ mới trải nghiệm lại được dịch vụ du lịch. Nếu còn tâm lý do dự thì rất khó để phục hồi, phát triển du lịch dài hơi.

Ngành du lịch đã có kế hoạch đón khách chi tiết đối với du khách quốc tế.

Bà Trần Nguyện, Giám đốc Kinh doanh Sun World, đề xuất, nên có ngay quy định y tế rõ ràng để du lịch thông suốt, phục hồi nhanh nhất. Hiện thông điệp 5K đã không còn phù hợp, chỉ cần giữ lại khẩu trang và khai báo y tế. Ngoài ra, bà cũng mong việc miễn thị thực nên có hiệu lực 30 ngày.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông Marketing của TST Tourist, nhận định, Việt Nam đang trong thời điểm cạnh tranh với các nước trong khu vực về mở cửa quốc tế với chính sách thông thoáng. Nếu giai đoạn hiện nay mà chúng ta càng làm khó thì sẽ khó khăn hơn cho DN thu hút các đoàn khách có kế hoạch đến Việt Nam. Cần tránh sự phân biệt giữa khách quốc tế và khách trong nước.

“Một số đoàn khách Singapore, Malaysia, Hoa Kỳ đã hỏi tour đến Việt Nam nhưng đến tận ngày 15/3 vẫn chưa thể đặt được bởi chưa có kế hoạch cụ thể và các quy định y tế rõ ràng. Du khách chờ, doanh nghiệp chờ, các hãng hàng không cũng đang chờ”, ông Trần Thanh Vũ - CEO Vinagroup Travel chia sẻ.

Mục tiêu 5 triệu khách quốc tế

Năm 2021, ngành du lịch Việt Nam đã đón 40 triệu khách du lịch nội địa. Từ cuối tháng 11/2021, khi triển khai Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế, đến nay đã thu hút hơn 10.000 lượt khách đến Việt Nam. Đặc biệt, với xu hướng phục hồi du lịch, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ngành du lịch đã đón và phục vụ 6,1 triệu lượt khách, vượt số khách cả tháng 12/2021. Trong 2 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách du lịch nội địa đạt khoảng 17,6 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 41,38 nghìn tỷ đồng, tăng 313% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 2/2022, khách du lịch nội địa đạt 9,6 triệu lượt, tăng 380%, trong đó có hơn 6 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú.

Với việc mở cửa du lịch, ngành du lịch Việt Nam đã đặt mục tiêu thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 400.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Trong đó, 2022 - 2023 là giai đoạn phục hồi cần nhiều nguồn lực, sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, bộ, ngành. Mục tiêu là đến hết năm 2023, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi 40 - 50% so với trước dịch, tương đương con số 8 - 9 triệu khách.

Ngày 14/3, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi các quy định, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh cho phù hợp với tình hình mới, gửi Bộ VH-TT&DL trước ngày 15/3/2022 để tổng hợp, hoàn thiện và công bố theo thẩm quyền Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, tại khu vực ASEAN, Việt Nam đã mở lại với thị trường Singapore, Đài Loan,... Với thị trường Nga, lượng khách sẽ bị ảnh hưởng nhất định nhưng chưa phải là lớn, bù lại là khách đến từ Ubekistane, Kazakhstan... Với thị trường Úc, New Zealand, chính sách thu hút khách của các thị trường này bắt đầu nới lỏng. Trong khi đó, 5 nước Tây Âu chúng ta vừa khôi phục chính sách visa, hàng không tích cực xúc tiến đường bay, điển hình như Bamboo Airways mở đường bay từ Việt Nam sang Đức, ngày 28/3 tới sang London - Anh,... kết hợp xúc tiến quảng bá, thu hút khách từ thị trường này. Do đó, con số 5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam có khả năng đạt được, nhưng cần có lộ trình đón khách chứ không thể ngày một ngày hai./.

Ban hành phương án mở cửa lại hoạt động du lịch

Theo phương án, từ ngày 15/3/2022 mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch covid-19; áp dụng với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound), khách du lịch ra nước ngoài (outbound) và khách du lịch nội địa.

Đối với hoạt động du lịch quốc tế, thực hiện chính sách thị thực theo Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ ngày 15/3/2022 về việc miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hòa Phần Lan và Cộng hòa Belarus; Công văn số 1606/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ ngày 15/3/2022 về việc khôi phục chính sách xuất nhập cảnh của Việt Nam và các quy định liên quan.

Khách nhập cảnh qua đường hàng không phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với vi rút SARS-CoV-2 và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.

Đối với khách nhập cảnh qua đường bộ, đường sắt, đường biển, phải có xét nghiệm như yêu cầu nêu trên. Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh (bằng phương pháp RT-PCR/RTLAMP hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2). Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì được phép nhập cảnh và tham gia hoạt động du lịch, nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm vắc xin phòng covid-19 hoặc chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 đều được nhập cảnh, tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.

Khách du lịch phải khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng Ứng dụng khai báo y tế (PC-Covid), thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định trong thời gian lưu trú tại Việt Nam.

Tại cửa khẩu, nếu khách du lịch có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp...) thì báo ngay cho cơ quan y tế tại cửa khẩu để thực hiện các biện pháp y tế theo quy định.

Khách du lịch phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD.

Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhập cảnh, khách du lịch tự theo dõi sức khỏe, nếu có các triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2 (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp...) thì phải thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn, quản lý kịp thời; thực hiện các biện pháp phòng bệnh: thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn.

Khách du lịch đảm bảo các điều kiện về xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định pháp luật xuất nhập cảnh của Việt Nam và các quy định liên quan khác khi du lịch tại Việt Nam.

Đối với khách du lịch ra nước ngoài (outbound) cần tuân thủ các quy định về xuất nhập cảnh, y tế và các quy định liên quan của Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ tham quan du lịch.

Đối với hoạt động du lịch nội địa sẽ triển khai theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và các văn bản hướng dẫn liên quan đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, triển khai Chương trình kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch nội địa trên toàn quốc. Tổ chức xúc tiến, quảng bá điểm đến, xây dựng sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận