Từng bước tháo gỡ hàng nông sản ùn ứ ở Lạng Sơn

Dòng xe container chở nông sản nhích từng chút một đã gây áp lực rất lớn đến hạ tầng bến bãi tại khu vực cửa khẩu...

 

Sau khi có ý kiến của Chính phủ về khắc phục tình trạng ùn ứ nông sản tại các tỉnh biên giới phía Bắc, các Bộ ngành trung ương nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng đã có những động thái để sớm cải thiện tình hình, tháo gỡ khó khăn. Nhiều giải pháp cũng đã được tính đến nhằm hỗ trợ phần nào thiệt hại cho lái xe, doanh nghiệp.

Cuối năm cũng là thời điểm nhiều địa phương vào vụ thu hoạch nông sản, trong khi nhiều cửa cẩu khẩu tại các tỉnh khác như Quảng Ninh, Lào Cai... đã đóng, cộng thêm nhu cầu tiêu thụ trái cây của các đối tác bên Trung Quốc là rất lớn, nên bất chấp tốc độ thông quan chậm và tình trạnh ùn ứ kéo, dòng xe chở nông sản vẫn tiếp tục đổ về biên giới Lạng Sơn. Tính đến sáng 23/12, tổng lượng xe tồn tại Lạng Sơn vẫn còn trên 4.400 xe.

Tính đến sáng 23/12, vẫn còn trên 4.400 xe, chủ yếu là nông sản, hoa quả tươi.

Dòng xe container chở nông sản nhích từng chút một đã gây áp lực rất lớn đến hạ tầng bến bãi tại khu vực cửa khẩu. Nhiều lái xe từ các tỉnh miền trong ra đây đã hơn 20 ngày nhưng vẫn chưa thể thông quan, họ buộc phải sinh hoạt khép kín để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Không chỉ khó khăn về nước sinh hoạt (20.000/1 lượt tắm), lợi dụng tình trạng tài xế "ăn trực nằm chờ" tại biên giới lâu ngày, một số hộ kinh doanh còn tăng giá lương thực, thực phẩm, thậm chí đã diễn ra tình trạng mất trật tự an ninh.

Trung tâm Quản lý cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đã niêm yết số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin phản ánh trực tiếp, cùng với các lực lượng tăng cường đảm bảo ANTT, trực tiếp đối thoại với đội ngũ lái xe để xử lý những vấn đề phát sinh. 

 

Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cũng đã lắp đặt hơn 20 nhà vệ sinh công cộng, phục vụ nước nóng và tắm miễn phí 24/24; tại các bến bãi cũng dự trữ khối lượng nước lớn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của các lái xe…

Anh Huỳnh Tấn Thanh, lái xe chở nông sản từ tỉnh Bình Thuận cho biết đã đến đây 14 ngày. Trước khia, mọi người phải tự mình đi kiếm nước, mua nước để phục vụ sinh hoạt, phải xách can đi mua nước ở tạp hóa với giá cả cũng khá đắt đỏ. Hiện nay lực lượng chức năng cũng đã lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh công cộng, nước nóng lạnh đầy đủ để tạo điều kiện cho anh em sinh hoạt.

"Điều này hết sức thuận lợi, chúng tôi cũng cảm thấy thoải mái hơn khi phải nằm chờ trên biên giới lâu như vậy. Thay mặt anh em tài xế, xin được cảm ơn các cơ quan chức năng đã quan tâm lắp đặt hệ thống nước này, cũng mong được quan tâm hơn nữa để tạo điều kiện cho xe được thông quan nhanh chóng trước Tết nguyên đán để chúng tôi được về với gia đình".

Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn lắp đặt hơn 20 nhà vệ sinh công cộng, phục vụ nước nóng và tắm miễn phí 24/24.

Nhiều tập thể, đơn vị, cá nhân đã tích cực tham gia, đồng hành cùng với tỉnh Lạng Sơn trong việc chia sẻ, giúp đỡ các tài xế, doanh nghiệp. Những hoạt động ý nghĩa được triển khai như tổ chức phát nước, phát mỳ tôm miễn phí, hay những hội nhóm được thành lập để kêu gọi ủng hộ, giải cứu nông sản “quay đầu”… tuy nhỏ nhưng đã phần nào thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, giúp đội ngũ tài xế cũng như doanh nghiệp thêm động lực để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại Bảo Nguyên, nói: “Thấu hiểu sự vất vả của lái xe đường dài khi lưu trú lâu ngày tại biên giới, chúng tôi đã phối hợp với Đồn Biên phòng Tân Thanh cung cấp nước uống, mỳ tôm miễn phí để hỗ trợ các lái xe trong giai đoạn này. Chúng tôi cũng giảm 50% phí bến bãi để hỗ trợ các doanh nghiệp khi có xe nằm lâu tại bãi. Chúng tôi mong sẽ được đóng góp một phần công sức nhỏ này để giúp các bà con, giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, để đồng hành cùng với tỉnh khơi thông hoạt động xuất nhập khẩu bình thường trở lại".

Những hoạt động ý nghĩa được triển khai như tổ chức phát nước, phát mỳ tôm miễn phí, hay những hội nhóm được thành lập để kêu gọi ủng hộ, giải cứu nông sản “quay đầu”… tuy nhỏ nhưng đã phần nào thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”.

Tỉnh Lạng Sơn cũng đã khảo sát lắp đặt thêm trạm khử khuẩn theo yêu cầu của phía bạn; tiến hành hội đàm để nâng cao năng lực thông quan tại các cửa khẩu. Nhiều phương án đã được tính đến như việc tổ chức bàn giao phương tiện xuất nhập khẩu của 2 bên tại Mốc số 0, xem xét mở hướng xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu đường sắt, hay việc dành thêm quỹ đất, thành lập các bãi đỗ xe mới để giảm áp lực về lưu lượng xe lên biên giới… Lạng Sơn cũng sẽ ban hành những cơ chế, chính sách để hỗ trợ phần nào khó khăn cho chủ hàng, lái xe đường dài chở hàng nông sản xuất khẩu qua địa bàn.

Còn ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn nhấn mạnh, tỉnh Lạng Sơn xác định việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp là nhiệm vụ hết sức quan trọng nên đã tập trung hội đàm với phía Trung Quốc để duy trì, đẩy mạnh hoạt động thông quan, tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Tỉnh thành lập các tổ công tác 24/24 để giải quyết ùn ứ, điều tiết phương tiện để đảm bảo an ninh trật tự cũng như đảm bảo công tác phòng chống dịch.

"Chúng tôi cũng tham mưu cho tỉnh miễn giảm tiền thu phí quản lý hạ tầng đối với phương tiện qua cửa khẩu cũng như đề nghị các doanh nghiệp phối hợp để giảm thu phí bến bãi cho các lái xe” - ông Nghĩa nói./.

Duy Thái/VOV-Đông Bắc

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận