Theo nhận định của các chuyên gia, hai lượt đấu tới (vòng 12 và 13) có ý nghĩa vô cùng quan trọng để xác định 8 đội dẫn đầu. Trước “khúc cua” trọng đại của mùa giải mà làng cầu quốc nội vẫn hết sức trầm lắng - biểu hiện rõ nhất là những chuyển động tại “phiên giữa” thị trường chuyển nhượng cầu thủ: Chỉ có dăm bảy giao dịch thành công và điều đáng nói chính là tâm thế của “kẻ bán”, họ chấp nhận thanh lý những cầu thủ thuộc diện “hàng tốt”, “hàng chất lượng cao”.
Một chuyển động gây “ồn ào” chính là cuộc “chuyển cư” đồng loạt của ba ngôi sao sáng trên sân bóng Cẩm Phả đến thảm cỏ Lạch Tray (Hải Phòng): Nghiêm Xuân Tú, Mạc Hồng Quân và ngoại binh Fagan. Hiện xếp áp chót trên bảng xếp hạng (10 điểm/11 trận) nên chuyện người Hải Phòng vội vã, khẩn trương trên thị trường chuyển nhượng là điều không khó lý giải. Ở một diễn biến khác, do lỗi hẹn với “ngôi vương” mùa giải trước, Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh (hiện xếp thứ 5/14) cũng tỏ ra rất sốt sắng - mua về cùng lúc 3 ngôi sao của bóng đá Khánh Hòa là Lâm Ti Phông, Đình Khương, Trùm Tỉnh. Bên cạnh đó, trong đội hình của đội chủ sân Thống Nhất còn có sự hiện diện của hai ngoại binh Guillermo Ortiz và Ariel Rodriguez.
Tóm lại, dẫu tham vọng, mục tiêu khác nhau (kẻ mong thoát khỏi “cửa tử”, người nuôi hy vọng soán ngôi “vương”) thì cả Hải Phòng và CLB Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh đều đã bổ sung nhân tố mới, đặc biệt là những chân sút chất lượng để hiện thực hóa mục tiêu tại V.League 2020.
Trong các phiên trao đổi, sang nhượng này, điều khiến người hâm mộ ngạc nhiên chính là tâm thế của “người bán”. Tại sao CLB hạng Nhất Khánh Hòa lại bán cùng lúc 3 trụ cột, phong độ rất ổn định? Đừng quên ở thời điểm hiện tại, đội bóng phố Biển đang tràn trề cơ hội thăng hạng?
Sau 9 vòng đấu, Khánh Hòa FC có 16 điểm, chỉ kém đội dẫn đầu (Bà Rịa Vũng Tàu) 2 điểm. Song, theo lời một lãnh đạo đội bóng này thì hiện tại, CLB không biết “đào” đâu ra mỗi tháng vài trăm triệu để trả lương cầu thủ. Việc bán đi 3 trụ cột, dẫu bất đắc dĩ nhưng cũng thu về được “một khoản kha khá”, đủ để đội nhà “cầm hơi”, chờ hết dịch Covid-19 rồi sẽ… tính tiếp.Đây cũng là tâm tư của đội chủ sân Cẩm Phả. Đầu mùa giải, sau tấm Huy chương Đồng tại V.League 2019, Ban huấn luyện đội bóng đất Mỏ đã được lãnh đạo “bật đèn xanh” - đồng ý “chi đậm” để hiện thực hóa tham vọng “đổi màu huy chương”. Diego Fagan và Jeremie Lynch cập bến Than Quảng Ninh vì lý do ấy. Dẫu chi phí mượn hai ngoại binh này không hề thấp nhưng với những gì đã thể hiện, cả Diego Fagan và Jeremie Lynch đều cho thấy: Họ “đáng đồng tiền bát gạo”. Theo nhận định của các chuyên gia, thành tích hiện tại của Than Quảng Ninh (19 điểm/11 trận, chỉ thua kém đội xếp thứ hai trên bảng tổng sắp về hiệu số bàn thắng) có sự đóng góp không nhỏ của cặp tân binh này. Ấy thế nhưng, ngay thời điểm “chợ cầu thủ” V.League 2020 mở “phiên giữa”, Diego Fagan cùng hai trụ cột khác (Nghiêm Xuân Tú và Mạc Hồng Quân) đồng loạt bị lãnh đạo CLB treo biển “hàng thanh lý”.
Nguyên nhân của đợt “xả hàng” ồ ạt này vẫn là bài toán cơm - áo - gạo - tiền muôn thuở. Cũng như đa số các đội bóng chuyên nghiệp khác, do giải chuyên nghiệp liên tục bấm lệnh “hoãn”, cộng với việc thiếu hụt các khoản thu từ quảng cáo, tiền vé vào cửa… lãnh đạo Than Quảng Ninh đành “bấm bụng” để ba cầu thủ này cập bến đội bóng đất Cảng và xem đó là giải pháp hạn chế chi phí hàng tháng (tiền lương cầu thủ).
Nói cách khác, điều lãnh đạo hai CLB: Than Quảng Ninh và Khánh Hòa FC cần thực hiện “ngay và luôn” lúc này là tìm đáp án cho câu hỏi: Tobe or not tobe (tồn tại hay không tồn tại) trước khi nghĩ đến những điều cao hơn, xa hơn.
Cổ nhân có câu: Khôn ngoan đến cửa quan mới biết/ Giàu có ba ngày Tết mới hay! Không còn nghi ngờ gì nữa, “cơn bão” dịch Covid-19 dẫu đã tạm lắng thì vẫn để lại những dư chấn hết sức nặng nề. Giữa tâm bão, cả ứng cử viên thăng hạng V.League lẫn ứng cử viên cho chức vô địch V.League đều phải gác lại những mục tiêu mang tính chiến lược, lâu dài để đối mặt và giải quyết những nỗi lo thường nhật./.
Thanh Hà