Vẫn chuyện 'phạt nguội' ở V.League!

Ban Kỷ luật VFF bất ngờ tung ra án phạt với ông Yang Jae-mo, trợ lý ngôn ngữ người Hàn Quốc của HLV trưởng CLB Bóng đá TP.HCM.

 

Theo đó, với những hành vi bị quy là “khiếm nhã” (chỉ ngón tay về khán đài, nơi có các quan chức VFF đang dự khán), ông Yang Jae-mo phải chịu mức phạt 10 triệu đồng.

Như chúng ta đã biết, hành động giơ “ngón tay khiếm nhã” của vị trợ lý này diễn ra chừng 1 tháng trước (tại cuộc đối đầu giữa 2 CLB bóng đá: TP.HCM - Hà Nội FC ở vòng 11 V.League 2020). Nói cách khác, bản án dành cho ông Yang Jae-mo là “án nguội” và để có cái nhìn toàn diện về hình thức quyết án này, cần nhắc lại một số chuyển động đã diễn ra cách đây 3 năm.

Mùa bóng 2017, để tỏ rõ sự nghiêm minh, sẵn sàng “truy vết” và xử “tiệt nọc” những hành động thiếu fair-play, tổ chức điều hành bóng đá nước nhà đã đưa hình thức “phạt nguội” vào điều lệ tổ chức giải và ngay lập tức phát huy hiệu quả: Có cả tá trường hợp “dính án” sau khi Ban Kỷ luật tiến hành “mổ băng”.

Ông Yang Jae-mo hành động giơ “ngón tay khiếm nhã” diễn ra chừng 1 tháng trước. Đa số các “án nguội” đều nhận được sự ủng hộ, đồng tình từ phía dư luận mà điển hình là trường hợp tiền đạo ngoại binh Hoàng Vũ Samson của Hà Nội FC. Từ một pha vào bóng “liều lĩnh” và được tuyên “trắng án” (kết luận ban đầu), trước phản ứng dữ dội từ truyền thông, khán giả, những cá nhân chấp pháp quyết định mở phiên “phúc thẩm” để xem xét lại. Kết quả là Hoàng Vũ Samson đã bị “treo giò 2 trận”. Thực tế ấy cho thấy, việc Liên đoàn áp dụng hình thức “phạt nguội” là đúng đắn và cần thiết.

Tuy nhiên, “phạt nguội” với căn cứ là camera ghi hình không phải lúc nào cũng thuyết phục. Vẫn ở mùa giải năm ấy (vòng 5 V.League 2017), sau khi Ban Kỷ luật xem lại tình huống va chạm giữa Quốc Phương (Thanh Hóa FC) với Âu Văn Hoàn (CLB Bóng đá TP.HCM) qua băng hình, chân sút sinh năm 1991 của đội bóng bên bờ sông Mã đã bị “xử nguội”: Đình chỉ thi đấu 2 trận kế tiếp.

Nhưng oái oăm thay, gần như ngay lập tức, “Messi xứ Thanh” đã đăng đàn kêu oan, nói rằng có “bằng chứng sống” mà camera không thể lưu giữ - chính là lời nói. Theo lời Quốc Phương thì sau khi va chạm, tiền đạo này đã lập tức xin lỗi đối phương. Nạn nhân cũng khẳng định “không sao cả” và tiếp tục thi đấu (toàn bộ nội dung này cũng được Âu Văn Hoàn xác nhận với báo giới, đồng thời khẳng định những va chạm kiểu ấy là “rất bình thường”).

Trở lại câu chuyện của đội bóng TP.HCM. Theo trần tình của Chủ tịch CLB Bóng đá TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Thắng thì sau khi “giơ ngón tay công kích”, giữa ông Yang Jae-mo cùng HLV trưởng đội bóng và CLB đã chấm dứt những ràng buộc. Song sau khi “đường ai nấy đi”, do không tìm được người kế nhiệm nên lãnh đạo đội bóng đã liên hệ trở lại với “bộ đôi” này và tái ký hợp đồng. “Cứ cho hành động của trợ lý Yang Jae-mo là xứng đáng bị phạt thì cũng không thể quyết án bởi về lý, đây là hai thành viên mới của đội bóng” - Nguyễn Hữu Thắng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, một chuyên gia ví von và đặt câu hỏi: Nó giống như trường hợp một học sinh vi phạm kỷ luật, nhà trường chưa kịp xử lý thì học sinh đó đã xin nghỉ học. Nếu đi học trở lại thì việc xử phạt lỗi cũ có hợp lý hay không?

Không còn nghi ngờ gì nữa, việc áp dụng hình thức phạt nguội là cần thiết nhưng xét cho cùng, chiếc máy quay chỉ là công cụ ghi chép, lưu giữ hình ảnh và bất cập từ camera là điều đã được kiểm nghiệm, chứng minh. Điều này cũng có nghĩa, trong một số trường hợp, không thể cứng nhắc trong “mổ băng” mà cần suy xét hiện tượng, hành vi vi phạm dưới nhiều góc độ./.

Thanh Hà

 

Bình luận

    Chưa có bình luận