Chuyện giảm lương 'mùa Covid'!

Việc các giải bóng đá vô địch Quốc gia trên phạm vi toàn cầu không thể tiếp tục thi đấu khiến tài chính của nhiều đội bóng lâm vào khủng hoảng thực sự.

 

 Tại xứ sở sương mù, lãnh đạo một câu lạc bộ (CLB) bóng đá chuyên nghiệp đã công khai thực tại phũ phàng: Nếu giải Ngoại hạng Anh không sớm trở lại, đội bóng sẽ phải giải thể. Trong bối cảnh ấy, việc cắt giảm lương được xem là giải pháp không thể không thực hiện.

Ở sân chơi cao nhất làng cầu quốc nội, ngoại trừ “đại gia” Hà Nội FC công khai đảm bảo tiền lương cho các cầu thủ ít nhất đến hết tháng 9 năm nay thì nhiều đội bóng khác đã sớm nghĩ đến chuyện “giảm chi”. Đi tiên phong chính là đội bóng “con nhà nghèo” Nam Định với ¼ thu nhập hằng tháng cho cầu thủ bị cắt giảm. Đáng nói hơn, tỷ lệ này có thể sẽ được gia tăng nếu V.League chưa hẹn ngày tái ngộ. Đội bóng bên bờ sông Mã cũng áp mức lương cắt giảm “lũy tiến” trong 3 tháng: tháng ba, tháng tư, tháng năm. Theo đó, trong tháng 3/2020, lương của ban huấn luyện và các cầu thủ giảm 30%; số tiền cắt giảm này sẽ là 50% trong tháng 4 và giữ nguyên ở mức ấy nếu sang tháng 5, V.League 2020 vẫn chưa thể quay trở lại. Chuyện giảm lương còn được áp dụng tại đại bản doanh của CLB Bóng đá thành phố Hồ Chí Minh nhưng muộn hơn 1 tháng. Mà không chỉ 3 đội bóng này, chuyện giảm lương gần như chắc chắn sẽ được tất cả các CLB đang thi đấu ở giải chuyên nghiệp vô địch quốc gia thực hiện nay mai. Đây là điều không ai mong muốn nhưng chẳng đặng đừng.

Cần phải khẳng định ngay rằng, việc giảm lương “theo đầu người” không phải không có những bất cập. Với một chân sút thuộc hàng “sao” ở V.League (dăm, bảy chục triệu/tháng trở lên), trong trường hợp bị cắt giảm 30% hay 50% thu nhập thì họ vẫn cứ “sống khỏe”. Thế nhưng, nếu là một cầu thủ trẻ, ít tên tuổi, tiền lương chỉ độ hơn chục triệu thì việc giảm mất 50% tiền lương sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt thường nhật. Đừng quên rằng, không ít cầu thủ ở xứ ta vẫn phải đều đặn mỗi tháng gửi tiền về cho gia đình để phụng dưỡng cha mẹ già.

Các CLB phải cắt giảm lương của cầu thủ khi V.League vẫn bị hoãn vì Covid-19.

Ở góc độ khác, hẳn người hâm mộ vẫn chưa hết tâm tư chuyện “cười ra nước mắt” của Giám đốc Điều hành Quảng Nam FC cuối V.League 2015. Ở lễ tổng kết năm ấy, ông Nguyễn Húp đã công khai chỉ trích việc bầu Đức ấn định kinh phí hoạt động cho một đội bóng chuyên nghiệp (15 tỷ đồng/mùa giải) khiến lãnh đạo “đội bóng xứ Quảng” rất khó thuyết phục địa phương “rót kinh phí” nhiều hơn “mức giá sàn”. Điều này cho thấy mặc dù V.League đã có tới 20 năm “tuổi chuyên” nhưng sân cỏ quốc nội vẫn có những tập thể thuộc diện “bao cấp” (toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động), sống nhờ vào “bầu sữa ngân sách”. Vì lẽ đó, xét một cách công bằng và sòng phẳng thì dư chấn của dịch bệnh Covid 19 chưa thể tác động ngay tới “nỗi lo cơm áo hằng ngày” của họ.

Tuy nhiên, nói như lãnh đạo đội bóng tỉnh Thanh, việc CLB chủ trương cắt giảm thu nhập, bên cạnh ý nghĩa tăng ngân sách bảo đảm còn là thông điệp mà đội bóng muốn gửi đến cầu thủ: CLB muốn cầu thủ “chia lửa”, ý thức được khó khăn hiện tại. “Chúng tôi xem cầu thủ là một phần của CLB, khó khăn chung nên muốn cầu thủ chia sẻ” - Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh. Bầu Đệ thậm chí còn mượn lời Sái Ung - một văn sĩ nổi tiếng thời Tam quốc bên Trung Hoa để minh họa, đại ý: Khi ngôi nhà bị cháy thì dẫu là bầy chim làm tổ trên nóc nhà cũng bị ảnh hưởng! 

Không còn nghi ngờ gì nữa, khi cơn dịch bệnh Covid-19 cùng với những hệ lụy của nó chưa có dấu hiệu dừng lại đối với các cơ quan, đơn vị, ngành nghề, người lao động… thì chuyện các cầu thủ bị cắt giảm thu nhập là điều có thể hiểu được. Nó không chỉ là hiệu ứng “ngôi nhà - tổ chim” như lời ông bầu Nguyễn Văn Đệ mà còn là diễn biến tất yếu của quy luật cung - cầu trên sân cỏ thời hiện đại: Lúc đội nhà “ăn nên làm ra”, cầu thủ bên cạnh mức lương cao còn được hưởng nhiều khoản tiền thưởng lớn thì khi đội gặp khó khăn, mỗi người cũng phải có trách nhiệm chia sẻ!

Thanh Hà

 

Bình luận

    Chưa có bình luận