Đội tuyển bơi Việt Nam: Thấy gì sau hành trình Sea Games 30?

Khép lại SEA Games 30, các VĐV nước ta đã giành được 10 HCV, 5 HCB và 8 HCĐ. Đặc biệt, 2 kình ngư Nguyễn Huy Hoàng và Trần Hưng Nguyên đã tỏa sáng rực rỡ.

 

Những thành tích phá kỷ lục Sea Games

Nguyễn Huy Hoàng hoàn toàn đáp ứng kỳ vọng, thậm chí còn là cái tên gây ấn tượng mạnh nhất ở đội tuyển bơi Việt Nam cùng bộ sưu tập 2 HCV, 2 HCB, 2 kỷ lục Đại hội cùng 1 chuẩn A Olympic.

Ngay trong ngày mở màn của môn bơi, Huy Hoàng về nhất ở chung kết 400m tự do với thời gian 3 phút 49 giây 08, phá kỷ lục SEA Games. Huy Hoàng tham dự nội dung này cũng bắt nguồn từ việc cự ly 800m sở trường không có trong chương trình thi đấu của nước chủ nhà Philippines… Đến đường đua xanh 1.500m tự do, các đối thủ chỉ có thể so kè với Huy Hoàng ở 2 lượt đầu tiên, trước khi tay bơi người Quảng Bình băng băng về đích.

Đặc biệt, thành tích 14 phút 58 giây 14 không chỉ giúp Nguyễn Huy Hoàng phá kỷ lục SEA Games, trở thành "kình ngư" Đông Nam Á đầu tiên chinh phục cự ly 1.500m dưới 15 phút, mà còn vượt chuẩn A (15 phút 0 giây 99) để giành thêm tấm vé tham dự Olympic 2020. Trước đó, tại giải thế giới hồi tháng 7, Huy Hoàng đã vượt chuẩn A Olympic ở nội dung 800m tự do nam.

Huy Hoàng chia sẻ về yếu tố làm nên thành công: “Em đã chuẩn bị mọi thứ để đạt được thành tích tốt nhất. Trước đó, em có chuyến tập huấn 2 tháng rất cực khổ tại Trung Quốc. Sự cố gắng của em đã được đền đáp bằng 2 tấm HCV”. Với việc giành thêm vé dự Olympic Tokyo 2020, tay bơi 19 tuổi có cơ hội để chứng minh thực lực ở độ chín của sự nghiệp.

VĐV Huy Hoàng.

Trong khi đó, người đồng hương Quảng Bình của Huy Hoàng là gương mặt trẻ Trần Hưng Nguyên cũng để lại ấn tượng theo cách của mình - sở hữu cú đúp HCV ngay lần đầu dự SEA Games.

 “Đây là lần đầu em tham dự SEA Games, em chỉ biết cố gắng vượt qua chính mình. Sau khi về đích em còn tháo kính ra để coi có phải mình về nhất không, thật không thể tin được!” - chàng trai 16 tuổi, cao 1,8m, nặng 80kg Trần Hưng Nguyên đã chia sẻ rất thật thà như vậy sau khi nhận tấm HCV SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp - chức vô địch trên đường đua 200m hỗn hợp nam. Tiếp đó, ở loạt bơi chung kết 400m bơi hỗn hợp nam, Trần Hưng Nguyên sát cánh cùng đàn anh Nguyễn Hữu Kim Sơn. Cách đây 2 năm ở SEA Games 29, Kim Sơn lập kỷ lục đại hội khi đánh bại Aflah Fadlan của Indonesia với chênh lệch chỉ 0,5 giây. Lần này, ở thành phố Clark, Philippines, dù vượt qua Kim Sơn với cách biệt lên tới vài giây nhưng Fadlan vẫn không thể đổi màu huy chương, bởi Trần Hưng Nguyên mới là người về đích đầu tiên với thời gian 4 phút 20 giây 65, phá kỷ lục cũ của Kim Sơn tới gần 2 giây.

VĐV Hưng Nguyên có thành tích ấn tượng tại SEA Games 30.

Để vận động viên vươn tầm châu Á

Với những gương mặt nữ, Nguyễn Diệp Phương Trâm, Vũ Thị Phương Anh chưa đáp ứng kỳ vọng, Lê Thị Mỹ Thảo đoạt HCĐ ở nội dung 200m bơi bướm. Còn Nguyễn Thị Ánh Viên, dù được ban tổ chức SEA Games 30 vinh danh là nữ VĐV xuất sắc nhất với 6 HCV, nhưng Viên thẳng thắn tự nhận: “Trong kỳ SEA games này, nhiều khi em không vượt qua chính mình. Đó là nhược điểm mà em cần khắc phục trong thời gian tới”.

Về kết quả thi đấu của đội tuyển bơi Việt Nam tại SEA Games 30, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh - nguyên Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại nhiều kỳ SEA Games, Asiad và Olympic dùng từ “thành công toàn diện”, nhưng để các VĐV có thể tiến xa hơn thì việc đầu tư cần có mục tiêu rõ ràng.

Ông Minh nhận xét: Trong số 98 HCV của thể thao Việt Nam, chúng ta chỉ có 4 kỷ lục của Nguyễn Thị Oanh, Lại Gia Thành, Nguyễn Huy Hoàng và Trần Hưng Nguyên. Những thành tích khác, kể cả 6 HCV của Ánh Viên, thành tích đều thấp hơn trước và không lên tầm châu lục được. Muốn cho các VĐV của chúng ta lên trình độ cao, những VĐV ưu tú nhất cần phải được đầu tư cao hơn nữa thì mới tiến đến mục tiêu cao là Olympic được”.

Ánh Viên là tài năng đặc biệt và cũng là VĐV được đầu tư lớn nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam. Ở tuổi 23, Ánh Viên đáng lẽ phải vươn tầm châu Á, nhưng suốt từ tuổi 17 đến nay chỉ dừng lại ở đấu trường SEA Games, liên tục gây thất vọng ở những sân chơi lớn. Trong khi đó, nhìn sang Joseph Schooling của Singapore, kình ngư này giành 9 HCV SEA Games 2015, nhưng 2 năm sau chỉ có 4 HCV. Thay vì chạy đua giành nhiều HCV, Schooling được đầu tư tập trung vào nội dung bơi bướm sở trường để rồi giành HCV Olympic Rio 2016, tiếp đó đoạt 2 HCV tại ASIAD 2018. Trường hợp của Ánh Viên chắc chắn là bài học vô cùng quý giá trong việc lựa chọn định hướng đầu tư./.

Ngô Đức

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận