Bầu Đức thôi 'mơ mộng'!

Mới đây, ông bầu Đoàn Nguyên Đức - 'cha đẻ' của lò đào tạo lừng danh Hoàng Anh Gia Lai JMG đã chính thức thừa nhận việc tiền đạo Nguyễn Công Phượng về nước.

 

Công Phượng sẽ khoác trên mình chiếc áo đấu của đội chủ sân Thống Nhất tại V.League 2020 - một kết cục không mấy vui vẻ với “người trong cuộc” nhưng lại nằm trong dự đoán của nhiều chuyên gia.

3 năm trước, khi Công Phượng (cùng với Xuân Trường, Tuấn Anh) được một số nền bóng đá hàng đầu châu lục là Nhật Bản, Hàn Quốc chiêu mộ, ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã hồ hởi đăng đàn, bóng gió nói về chuyện “trồng cây đã đến ngày hái quả”, rồi tự ví mình như… mẹ vợ, “gả con gái” cho các chàng rể đến từ Đông Bắc Á. Tuy nhiên, dẫu rất được kỳ vọng thì “những đứa trẻ nhà bầu Đức” vẫn không chịu “lớn” theo đúng nghĩa đen. Thời gian Công Phượng được ra sân chỉ có thể tính bằng phút. Người hâm mộ hiểu rằng, chân sút này đã không thể tìm chỗ đứng tại Nhật Bản, dù câu lạc bộ (CLB) mà Công Phượng gửi gắm ước mơ chỉ là đội bóng hạng hai của đất nước này.

Về nước, Công Phương sẽ có nhiều cơ hội tỏa sáng.

Thời điểm ấy, đã có không ít “định hướng” từ phía các chuyên gia dành cho Công Phượng. Thậm chí có người còn bóng gió, mượn chuyện “nói gần nói xa” để “chẳng qua nói thật”, cảnh báo ông bầu Đoàn Nguyên Đức rằng: Đừng mơ tưởng những chuyện viển vông, xa vời! Bởi chẳng gì thì so với mặt bằng chung của các nền bóng đá hàng đầu châu lục, một số “quả” được hái từ vườn ươm Hoàng Anh Gia Lai, tuy chất lượng hàng đầu đất nước nhưng chưa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; nói cách khác, loại quả này vẫn còn “non” và “xanh”!

Không chấp nhận thực tại “đắng ngắt” ấy, ông chủ của lò đào tạo bóng đá nơi phố núi Pleiku vẫn quyết tâm đưa Công Phượng đến những nền bóng đá tiên tiến khác. Lần lượt là những CLB: Incheon United (Hàn Quốc), Sint-Truidense (Bỉ) được lựa chọn làm nơi “thử lửa”, nhưng tất cả đều kết thúc trong ê chề: Công Phượng vẫn bền bỉ làm bạn với băng ghế dự bị. Theo thống kê, đóng góp của anh ở cựu lục địa chỉ vẻn vẹn trong 20 phút ra sân, không thể lập công hay có được một đường kiến tạo nào thành bàn. Sau trận đấu của Sint-Truidense với SV Zulte Waregem cách đây chừng 4 tháng, Công Phượng thậm chí còn không được đăng ký trong danh sách thi đấu.

Đúng là để phát triển và nâng tầm cầu thủ Việt, việc thi đấu ở nước ngoài là giải pháp tốt nhất lúc này, song những chuyến xuất dương phải dựa trên nhiều yếu tố như trình độ chuyên môn (thể lực, kỹ - chiến thuật), sự thích nghi về văn hóa - lối sống… mới có thể mang lại thành công. Và đặc biệt, nếu một đội bóng ký hợp đồng với Công Phượng thì đó phải là nhu cầu từ phía đối tác, chứ không chỉ đơn thuần là sản phẩm của một cuộc “mặc cả”: phía đối tác cần phát triển hình ảnh, giành các hợp đồng thương mại ở Việt Nam, còn Hoàng Anh Gia Lai qua đó đánh bóng “thương hiệu” rằng sản phẩm do mình đào tạo ra rất chất lượng, đắt hàng và dễ dàng đáp ứng được yêu cầu của nhiều “thị trường” danh tiếng, khó tính! Chuyện “nửa đường đứt gánh” của Công Phượng dẫu không ai muốn nhưng ngẫm ra lại tốt cho cả hai. Vẫn biết, mức lương cho một cầu thủ dự bị như Công Phượng tại CLB của Bỉ có thể cao gấp 12 lần một đồng nghiệp V.League, nhưng điều cốt tử với một cầu thủ chuyên nghiệp là phải thường xuyên được ra sân chứ không phải những thứ “phi chuyên môn” khác. Đặc biệt là với tiền đạo người xứ Nghệ, đang trong độ tuổi 24 -25, khoảng thời gian đẹp nhất của đời cầu thủ, tương lai vô cùng rộng mở.

Vì lẽ đó, sự kiện Công Phượng về nước xem ra là giải pháp đúng đắn và kịp thời. Còn với Công Phượng lúc này, chẳng đâu bằng “gia đình”. Nhất là ở V.League, Phượng sẽ có cơ hội tỏa sáng, chứng tỏ giá trị bản thân./.

Thanh Hà

 

Bình luận

    Chưa có bình luận