Hà Nội FC ra… biển lớn!

Với chiến thắng 2-0 trước sông Lam Nghệ An ở vòng đấu thứ 21 V.League 2018, Hà Nội FC đã vô địch trước 5 lượt trận.

Hà Nội FC đã vô địch trước 5 lượt trận và trở thành một trong hai đại diện của làng bóng nước nhà tham dự giải vô địch châu Á dành cho các câu lạc bộ (CLB) AFC Champion League 2019.
Về tư thế của bóng đá Việt Nam tại đấu trường châu lục cấp CLB, hẳn người hâm mộ vẫn chưa quên phát biểu "để đời" của ông Lê Thụy Hải thời còn dẫn dắt đội bóng đất Thủ Dầu Một cách đây 10 năm: "Chúng tôi phải tham dự AFC Cup vì B.Bình Dương vô địch V.League chứ chẳng ham hố gì"!
Theo lời ông Hải "lơ", so với thiên hạ, B.Bình Dương chỉ thuộc diện "làng nhàng", chẳng sớm thì muộn cũng "xách va-li về nước" nên dừng cuộc chơi sớm lúc nào tốt lúc ấy, vừa giữ được lực lượng lại tiết kiệm được kha khá chi phí di chuyển, ăn - ở, tập luyện, thi đấu…
Quan điểm của ban huấn luyện đội bóng được mệnh danh "Chelsea của Việt Nam" cũng là "sách lược" của đa số các CLB chuyên nghiệp ở xứ ta. Chính vì xem giải châu lục là gánh nặng, ảnh hưởng rất lớn đến sân chơi quốc nội nên những SHB Đà Nẵng, Than Quảng Ninh, Sông Lam Nghệ An, FLC Thanh Hóa khi "ra biển lớn" đều chọn giải pháp… đá cầm chừng. Và chính vì suy nghĩ "có thì tốt, không có cũng chẳng sao", sân cỏ cả nước mới được chứng kiến những câu chuyện hy hữu như đội bóng sông Hàn từng thua 0-15 trước đối thủ Gamba Osaka mùa bóng 2006. Còn năm ngoái, chẳng biết có phải vì "sợ" phải đi tiếp hay không mà sau khi ghi tới 3 bàn, FLC Thanh Hóa đã gần như mở toang khung thành để đối phương san bằng tỷ số?
Dĩ nhiên, trong quá khứ, không phải không có những lần bóng đá Việt Nam bùng nổ ở sân chơi này. Đơn cử như Hà Nội T&T (tiền thân của Hà Nội FC) và Vissai Ninh Bình (đã giải thể) từng giành vé Tứ kết AFC Cup 2014. B.Bình Dương thậm chí còn góp mặt tại Bán kết AFC Cup 2009 song dường như đó chỉ là những "phút lóe sáng" theo kiểu hiện tượng chứ chưa thể hiện sự thay đổi trong suy nghĩ. Chẳng phải thế sao khi mà ở BTV Cup 2012, ông Srdan Zivojnov - HLV trưởng CLB Gremio Barueri B đã cảm thán: "Bóng đá Việt Nam sẽ khó mà phát triển nếu như các CLB vẫn còn tư tưởng và thái độ né tránh, muốn bị loại sớm khi tham dự AFC Cup hay cao hơn là AFC Champions League".
Lấy ví dụ từ nhà vô địch V.League 2017: Quảng Nam FC. Chiếc vương miện mùa giải năm ngoái đồng nghĩa với một suất tham dự AFC Champion League đã đặt lên vai người xứ Quảng trước một bài toán không dễ giải: Phải gấp rút nâng cấp cơ sở hạ tầng theo tiêu chuẩn Liên đoàn Bóng đá châu Á. Trước vô số đòi hỏi của Ban tổ chức, từ cơ sở vật chất ăn nghỉ tới sân tập cùng rất nhiều tiêu chí về nhân sự, hành chính, pháp lý và tài chính,… lãnh đạo Quảng Nam FC đã học một trong 36 kế mà người xưa hay dùng đến "tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách" (trong 36 kế, tìm cách "chuồn" trước là hơn cả), nhường suất chơi ở châu lục cho Á quân V.League 2017 (FLC Thanh Hóa).
Đáng nói hơn, từ đó đến nay, sân Tam Kỳ vẫn không được nâng cấp và dường như lãnh đạo đội bóng này cũng không có dự định cải tạo sân vận động. Điều này có nghĩa nếu một lúc nào đó, Quảng Nam FC "lỡ" vô địch ở sân chơi V.League, họ lại tiếp tục… nhường suất AFC Cup cho đội xếp thứ hai. Đây có thể xem là dẫn chứng điển hình cho nhận định: Tham dự AFC Cup là một gánh nặng mà hầu hết các CLB đều không mong muốn! 
Trở lại câu chuyện của Hà Nội FC. Có thể nói, chiếc vương miện V.League 2018 của đội bóng thủ đô là rất thuyết phục. Thầy trò huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm đăng quang sớm tới 5 vòng đấu và chỉ phải nhận duy nhất 1 thất bại sau 21 lượt trận. Nắm trong tay dàn binh hùng, tướng mạnh cùng tiềm lực tài chính khá dồi dào, từ nhiều năm nay, Hà Nội FC đã thực sự là một "ông lớn" ở sân chơi cao nhất làng cầu quốc nội. 
Song dư luận vẫn băn khoăn là, với nền tảng như thế, Hà Nội FC có dám thay đổi hình ảnh của bóng đá Việt Nam ở AFC Cup năm tới?

Bình luận

    Chưa có bình luận