Đó là chưa kể trong 2 đội bóng còn lại (Lào và Brunei), Lào chưa bao giờ là đối thủ dễ bị bắt nạt.
Sở dĩ cục diện bảng B trở nên “chật chội” như vậy là bởi giải đấu lần này có 11 đội bóng tham dự; ở khía cạnh khác, như chúng ta đã biết, tiêu chí phân hạt giống SEA Games lần này dựa vào kết quả môn Bóng đá Nam tại kỳ Đại hội Thể thao khu vực cách đây 2 năm (U22 Việt Nam của cựu huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng bị loại từ vòng bảng), thêm với sự may - rủi của lá thăm, đội bóng có ngôi sao vàng nơi ngực trái đã hiện diện trong nhóm 6 đội như đã đề cập.
Trên lý thuyết, đúng là bảng A (gồm: chủ nhà Philippines, Myanmar, Malaysia, Timor Leste, Campuchia) có vẻ “dễ thở” hơn nhiều song giả sử đội bóng của chúng ta có nằm ở nhóm này thì các học trò của ông Park Hang Seo vẫn phải có được kết quả thuận lợi ở các trận đấu với đội chủ nhà Philippines, Malaysia. Philippines hay Malaysia thì khác gì Thái Lan, Indonesia? Đây mới là những “nút thắt” quan trọng, quyết định 1 trong 2 tấm vé vào Bán kết chứ không phải tỷ số cuối cùng với các đội bóng yếu hơn, thuộc nhóm dưới.
Vì lẽ đó, thay vì so sánh tương quan hai bảng rồi buông tiếng thở dài bi quan về một “bảng tử thần” hãy nhớ rằng ở Đại hội lần này, U22 Việt Nam đặt mục tiêu giành Huy chương Vàng. Mà để hiện thực hóa “giấc mơ vàng” thì phải xác định: đội nào cũng phải “chiến”, phải vượt qua; không thể trông chờ “né” đội A, “tránh” đội B mãi được. Nói cách khác, cần bỏ ngay tâm lý: “e Thái - ngại Sinh (Singgapore) - kinh Mã (Malaysia)”! Chưa nói đến, mới có kết quả bốc thăm với những đội bóng ở vùng trũng Đông Nam Á đã vội hô lên là “bảng tử thần” thì một mai ở tầm khu vực, gặp những Iran, Hàn Quốc… còn “tim đập chân run” đến nhường nào?
Đừng quên là chỉ hơn một năm trở lại đây, với những chiến công vang dội tại vòng chung kết giải U23 châu Á, ASIAD 2018, ASIAN Cup 2019… rồi hòa Thái Lan ngay trên sân khách, thắng Malaysia (1-0) trên sân nhà tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, làng bóng đã có những chuyển biến đáng kể về chất, vươn lên mạnh mẽ, được truyền thông và giới chuyên môn châu lục ghi nhận. Trong chiến lược phát triển, các quan chức bóng đá nước nhà bắt đầu hướng tầm nhìn ra xa hơn khu vực Đông Nam Á.
Duyên nợ với “người Thái”
SEA Games 30 tiếp tục chứng kiến “duyên nợ” giữa hai nền bóng đá hàng đầu khu vực: Việt Nam - Thái Lan khi mà ở nội dung bóng đá Nữ, cả 2 đội tuyển đều nằm chung bảng B (đối thủ còn lại là nữ Indonesia).
Bóng đá nữ tại SEA Games 30 có sự tham gia của 6 quốc gia. Cũng như bảng B, bảng A là cuộc đua giành 2 tấm vé Bán kết giữa chủ nhà Philippines, Myanmar và Malaysia.
Các đội thi đấu theo thể thức vòng tròn tính điểm, hai đội xếp nhất - nhì mỗi bảng sẽ lọt vào bán kết. Các trận vòng bảng diễn ra từ ngày 26/11 đến 4/12; vòng bán kết diễn ra vào ngày 6/12, hai trận tranh hạng Ba, chung kết được tổ chức vào ngày 9/12 trên hai sân vận động: Rizal Memorial và Binan Football.
|
Mà một khi đã vươn ra biển lớn, cần phải đoạn tuyệt “ngay và luôn” những ám ảnh về “bảng tử thần” bởi nó hoàn toàn đối lập với những vấn đề vĩ mô, tâm thế của làng bóng nước nhà.
Xin được nhắc lại, thời gian qua chúng ta đã không còn tâm lý “sợ” người Thái mà đã chơi chững chạc, tự tin trên sân khách và vừa mới thắng thuyết phục Malaysia; bóng đá Indonesia thì đang trải qua cuộc khủng hoảng; Singapore cũng không còn đáng sợ như trước... Trên lý thuyết, họ phải e ngại khi gặp chúng ta, vậy thì hà cớ gì vừa mới có kết quả bốc thăm, nhiều người đã hoang tưởng về một “bảng tử thần”? Muốn bơi ra biển lớn mà lại lo “chết đuối” trong… ao nhà thì nghĩ cũng kỳ!