Dĩ nhiên, khi đề cập đến khái niệm “cầu thủ thứ hai”, người ta sẽ dễ dàng liên tưởng và có sự so sánh với “cầu thủ thứ nhất” - chính là Nguyễn Công Phương, chân sút trước Hậu vài tháng đã có màn ra mắt rất hoành tráng trong màu áo CLB Truidense V.V ở giải vô địch quốc gia Bỉ.
Song, cần phải nói ngay rằng, dẫu cùng là “xuất ngoại chơi bóng” nhưng mỗi chuyến “xuất dương” phản ánh một giai đoạn đặc thù của sân cỏ quốc nội. Gần hai thập kỷ trước, bóng đá Việt Nam ở vào thời điểm hội nhập, học hỏi nên sự kiện Lê Huỳnh Đức có một thời gian khoác áo CLB Chonquin Lifan (Trung Quốc), dẫu là xuất ngoại theo chương trình hợp tác giữa hai CLB thì vẫn cứ là cột mốc đáng được ghi nhận bởi nếu không, giới “quần đùi áo số” nước nhà vẫn cứ quẩn quanh ở V.League mà thôi.
4 năm sau, cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam H.Calisto đã tận dụng mối quan hệ cá nhân với các đội bóng tại quê hương Bồ Đào Nha để “gửi” tiền đạo Nguyễn Việt Thắng sang học hỏi, tích lũy kinh nghiệm tại CLB Porto B năm 2005. Tương tự như vậy, năm 2009, thông qua “kênh bầu Hiển”, một tiền đạo hàng đầu quốc nội khác là Công Vinh tiếp tục được gửi sang “học việc” tại CLB Leixoes (cũng của Bồ Đào Nha). Cũng như vô số cầu thủ đến từ các nền bóng đá không được đánh giá cao, cả Việt Thắng lẫn Công Vinh đều “sống mòn” trên băng ghế dự bị ở đội bóng mới.
Trong cái dư âm không mấy vui vẻ ấy, chuyện “những đứa trẻ nhà bầu Đức”, kẻ sang Hàn Quốc, người tìm cơ hội ở xứ mặt trời mọc - thậm chí ở sự kiện Công Phượng đầu quân cho một đội bóng giải vô địch quốc gia Bỉ chừng hai tháng trước, dẫu không muốn nhưng vẫn phải thừa nhận thực tế là ở đó không phải không có những yếu tố “phi chuyên môn”, thậm chí những yếu tố này khá đậm nét. Người hâm mộ không thể không nghi ngờ, rằng: Trong một đội hình có tới dăm ba tiền đạo đẳng cấp thì động cơ chiêu mộ tiền đạo của Hoàng Anh Gia Lai từ phía Truidense V.V là gì (?) nếu không nhằm mục đích thương mại? Và có hay không chuyện “con gà tức nhau tiếng gáy”: khi cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai đã sang Bỉ thi đấu thì cầu thủ của mình (Hà Nội FC) phải được liên hệ để ra sân ở một giải vô địch có chất lượng chuyên môn còn cao hơn (giải vô địch quốc gia Hà Lan được đánh giá có nhiều cầu thủ, đội bóng tốt hơn giải vô địch quốc gia Bỉ).
Tuy nhiên, như đã nói, từng chuyến xuất ngoại lại phản ánh một giai đoạn phát triển khác nhau của bóng đá nước nhà. Khi ông bầu Đoàn Nguyên Đức cho ra lò lứa cầu thủ được đào tạo bài bản trong suốt 7 năm, thế giới nào đã biết đến những sản phẩm ở dải đất hình chữ S? Vì lẽ đó, kể cả là phải “gả bán”, “cho mượn” thì bầu Đức vẫn cần quảng bá thương hiệu với các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới.
Nói cách khác, cần phải đặt bản hợp đồng mới nhất mà Đoàn Văn Hậu vừa ký với CLB Heerenveen trong sự phát triển liên tục của bóng đá Việt Nam. Từ Huỳnh Đức (đi theo diện hợp tác) đến Việt Thắng, Công Vinh (cậy nhờ “sự quen biết” để “du học”), rồi Công Phượng, Xuân Trường (“gả bán”) đến Đoàn Văn Hậu (hợp đồng mang tính chuyên nghiệp, đã chú trọng vào chuyên môn nhiều hơn: có phí chuyển nhượng, mức lương, yêu cầu phải để cầu thủ này ra sân trong ít nhất 20% các trận đấu của CLB) - bóng đá Việt Nam cần tới gần hai thập kỷ để có được cái nhìn trân trọng hơn từ các đối tác.
Và quan trọng hơn, khi đồng ý để Đoàn Văn Hậu chơi bóng ở xứ sở hoa Tulip, đội bóng chủ quản (Hà Nội FC) đã nhận được 300.000 USD (gần 7 tỉ đồng) - ngân khoản có thể “không thấm tháp gì” so với đầu tư của đội bóng thủ đô vào các hạng mục: đào tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, duy trì CLB các lứa tuổi - nhưng lại là “tiền lãi” từ “kinh doanh cầu thủ” theo đúng nghĩa đen.
Đây chính là hướng đi cần thiết và đúng đắn với một đội bóng chuyên nghiệp: Đào tạo - bán cầu thủ - sử dụng tiền lãi để “tái sản xuất” chứ không thể cứ bám vào “cơ chế” hoặc “bầu sữa” doanh nghiệp!