Một gương mặt hoàn toàn lạ lẫm với người hâm mộ cả nước là thủ môn Filip Nguyễn đã được đưa vào tầm ngắm và nếu như thuyết phục được vị chiến lược gia người Hàn Quốc, kẻ gác đền được đào tạo, trưởng thành từ Cộng hòa Séc này sẽ được hỗ trợ nhập quốc tịch Việt Nam để kịp khoác trên mình tấm áo đấu in hình lá cờ đỏ sao vàng nơi ngực trái tại vòng loại World Cup 2022.
Ngày còn giữ cương vị cao nhất VFF, cựu Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ từng nhiều bận “lăn tăn” về sự khác biệt ngôn ngữ, lối sống giữa những cầu thủ Việt Nam với các “ông Tây” nhập tịch - đấy cũng là nguyên nhân khiến cánh cửa lên đội tuyển bóng đá quốc gia của những Phan Văn Santos, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max, Huỳnh Kesley… cách đây trên dưới một thập kỷ vừa “he hé” đã lập tức đóng chặt. Ở góc độ này thì cầu thủ Việt kiều xem ra là phương án khả dĩ bởi chí ít, họ đều có “gốc gác” Việt, tạo được cảm giác gần gũi cả về huyết thống lẫn ngoại hình.
Mà khi đã thuyết phục được VFF về huyết thống lẫn ngoại hình (bên cạnh năng lực chuyên môn) sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Filip Nguyễn chỉ là một trong vài cái tên được ông Park Hang Seo triệu tập. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có 2 gương mặt có hoàn cảnh tương tự Filip Nguyễn là Alexander Đặng và Jason Quang Vinh Pendant đã công khai nguyện vọng muốn trở về Việt Nam tìm kiếm cơ hội.
Hiệu quả chuyên môn từ việc sử dụng cầu thủ Việt kiều là điều ai cũng nhận thấy. Ở góc độ đội tuyển, với bản lý lịch trích ngang “hoành tránh”: cao hơn 1m90, trưởng thành cùng lò đào tạo với thủ môn lừng danh Petr Čech… Filip Nguyễn hội đủ yếu tố để trở thành một “lá chắn thép” trước cầu môn. Còn với giải đấu cao nhất quốc gia, sự xuất hiện của anh này (và Alexander Đặng, Jason Quang Vinh Pendant) sẽ giúp V.League có thêm những cầu thủ chất lượng; tính cạnh tranh sẽ cao hơn; các chân sút nội phải cố gắng hết mình mới mong có được một vị trí chính thức. Và quan trọng hơn, VFF cũng như các CLB không phải tốn kém, dù chỉ một xu chi phí đào tạo, lại có người để dùng ngay lập tức.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi ấy, món “mì ăn liền ngoại quốc” cũng dự báo sẽ mang lại không ít bi kịch. “Bật đèn xanh” cho cầu thủ Việt kiều cũng đồng nghĩa với việc cơ hội ra sân ngày một ít hơn với các đồng nghiệp bản xứ. Sự vượt trội về thể lực, thể hình và kinh nghiệm tích lũy từ các nền bóng đá tiên tiến khiến cán cân luôn nghiêng về những cầu thủ trưởng thành ở hải ngoại. Lấy dẫn chứng từ trường hợp thủ môn Đặng Văn Lâm, chỉ cần Lâm “Tây” giữ được phong độ ổn định thì những người gác đền không đến nỗi tồi như Bùi Tiến Dũng cũng chẳng thể “mon men” đến khung thành đội tuyển. Tương tự như vậy, Alexander Đặng hiện là chân sút chủ lực của CLB Nest-Sotra (Na Uy) nên nếu anh này được khoác trên mình chiếc áo đội tuyển, nhiều khả năng Văn Đức, Công Phượng, Hà Đức Chinh… chỉ là những kẻ chầu rìa.
Và đừng quên rằng sự khác biệt về văn hóa chính là một trong những mầm mống nảy sinh sự cục bộ, bè phái. Chẳng phải 2 năm trước, chính Đặng Văn Lâm từng bị một thành viên Ban huấn luyện đội bóng cũ (CLB Hải Phòng) áp cho lỗi “hỗn láo, thiếu hòa đồng” và dùng… nắm đấm để “dạy dỗ” đó sao?
“Nhập khẩu cầu thủ” là xu thế tất yếu của bóng đá thế giới hiện đại, Việt Nam khó có thể đứng ngoài trào lưu này nhưng nên chăng, hãy xem cầu thủ Việt gốc ngoại như một thứ gia vị làm tăng tính hấp dẫn, thêm phần phong phú cho đời sống thể thao nước nhà, còn về lâu dài, không nên và không thể giải quyết “cơn đói danh hiệu” bằng các “món ăn nhanh”!
Thanh Hà