Trao đổi với báo giới, huấn luyện viên (HLV) Chung Hae-seong của Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh (đội vừa phải chia điểm sau 3 lần vươn lên dẫn bàn trước CLB Bóng đá Thanh Hóa tại vòng 17) thẳng thắn bày tỏ: Dù ông đã hành nghề tới 3 thập kỷ nhưng vẫn chưa thấy ở đâu có chuyện như vậy. Mật độ thi đấu ấy khiến cầu thủ mất sức, không thể ra sân với 100% thể lực.
HLV Chung Hae-seong không phải không có lý khi nêu ra những bất cập trong việc cầu thủ phải thi đấu với mật độ dày. Đó là chưa kể trong thời gian đội tuyển hội quân, lãnh đạo các CLB vẫn đều đặn trả lương cầu thủ còn HLV phải liên tục thay đổi giáo án để đón điểm rơi phong độ.
Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là không chỉ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) mới điều chỉnh lịch thi đấu các giải bóng đá trong nước nhằm phục vụ đội tuyển quốc gia mà các làng bóng hàng đầu thế giới đều phải có trách nhiệm thực hiện.
Hãy lấy dẫn chứng từ ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh sẽ diễn ra vào năm 2022. Do đặc trưng thời tiết quá nóng bức ở vùng Trung Cận Đông mỗi khi hè đến, nước chủ nhà Qatar đã đệ trình và được Liên đoàn Bóng đá thế giới chấp thuận để World Cup 2022 diễn ra vào mùa đông - trùng với lịch thi đấu của hầu hết các giải vô địch hàng đầu châu Âu như Ngoại hạng Anh, La Liga (Tây Ban Nha), Serie A (Italia), Bundesliga (Đức)…
Mặc dù quyết định này bị phản ứng rất dữ dội song các liên đoàn bóng đá nói trên đều hiểu rằng: Khi không thể thay đổi thời điểm diễn ra World Cup 2022 thì nên chủ động điều chỉnh lịch thi đấu giải trong nước. Theo kế hoạch, World Cup 2022 sẽ kết thúc trước giáng sinh; đây cũng là quãng thời gian nghỉ giữa mùa của các giải châu Âu (khoảng 2 tuần với Liga, Serie A và từ 20-30 ngày với Bundesliga). Vì vậy, các liên đoàn đã chọn giải pháp rút ngắn kỳ nghỉ đông xuống còn chừng 1 tuần lễ. Thậm chí giải đấu cao nhất nước Đức sẽ diễn ra liên tục mà không có, dù chỉ là 1 ngày nghỉ để đảm bảo cho Bundesliga hạ màn đúng hạn.
Trở lại câu chuyện lịch thi đấu V.League 2019. Từ nay đến cuối năm, đội tuyển bóng đá quốc gia và đội U23 Việt Nam sẽ lần lượt tham dự hai “chiến dịch” rất quan trọng là vòng loại World Cup 2022 (khu vực châu Á) và SEA Games 30. Mà như đã đề cập, khi đội tuyển bóng đá Quốc gia và đội U23 luôn được ưu tiên thì chuyện V.League phải đá với mật độ dày hơn là thực tế mà các CLB buộc phải chấp nhận.
Chẳng phải 4 năm trước, để tập trung cho SEA Games 28, giải bóng đá chuyên nghiệp vô địch Quốc gia mùa giải 2015 buộc phải hoãn tới gần 2 tháng (từ 14/2 tới 12/4) đó sao? Cũng năm này, do trận thư hùng giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Indonesia (ngày 3/9/2015) trong khuôn khổ vòng loại thứ 2 - World Cup 2018 trùng với thời điểm diễn ra vòng 23 và 24 V.League 2015 nên lịch thi đấu một lần nữa phải điều chỉnh.
Vì lẽ đó, thay vì “kêu ca, phàn nàn”, nên chăng các HLV cần sớm thay đổi giáo án tập luyện, nghỉ ngơi để đảm bảo cho cầu thủ có được tâm lý, thể lực tốt nhất.
Đó cũng là cách gián tiếp biểu thị sự ủng hộ đội tuyển, vì màu cờ sắc áo Quốc gia!