Trước mắt, VPF sẽ “thí điểm” mỗi vòng một trận đấu, áp dụng với những sân vận động ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Với người hâm mộ cả nước, VAR đã không còn là khái niệm lạ lẫm. Sau thử nghiệm tại World Cup 2018 và gần đây là Asian Cup 2019 (sân chơi mà Việt Nam lọt vào top 8 đội mạnh nhất), VAR (công nghệ hỗ trợ trọng tài) đã phát huy hiệu quả không ngờ, đặc biệt là với những tình huống có thể gây tranh cãi. Vì lẽ đó, khi quyết định đưa VAR về sân chơi cao nhất làng cầu quốc nội, các nhà làm giải hy vọng V.League sẽ bớt “sóng gió” vì những tiếng còi của những ông “vua sân cỏ”.
Ưu điểm, thế mạnh của VAR là không thể phủ nhận. Tuy nhiên do đặc thù của công nghệ này (mỗi lần áp dụng sẽ khiến trận đấu phải “dừng hình” tới vài ba phút) nên thông thường, “trọng tài video” chỉ được áp dụng cho 4 trường hợp liên quan đến bàn thắng, thẻ đỏ, lỗi trong khu vực 16m50 và bạo lực sân cỏ. Quy định này nhằm giúp các trận bóng không bị “nát vụn” bởi VAR và đây cũng là nguyên nhân khiến người ta nghi ngờ: VAR không thể phát huy hết tác dụng ở V.League.
Bởi chuyển động giải chuyên nghiệp những năm gần đây cho thấy, bên cạnh những tình huống mà VAR có thể “giải quyết”, sân cỏ quốc nội còn không ít “sạn” mà “trọng tài công nghệ” sẽ phải… “bó tay”.
Đơn cử như trận thư hùng Long An - Bình Dương ở vòng 2, V.League 2017. Theo ghi nhận của báo giới, ở trận đấu nói trên, khi 90 phút thi đấu chính thức sắp hết, trọng tài Nguyễn Hiền Triết đã giơ biển báo bù giờ 4 phút. Thời lượng ấy tương đối chính xác, bù cho những giây phút “bóng chết” trên sân. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong quãng thời gian “đá bù” này, cầu thủ Long An tiếp tục “câu giờ” rất lộ liễu. Để không bị “thua thiệt” cho đội khách, ông Triết đã giương cao bảng báo thời lượng bù giờ lần 2 (đá thêm 1 phút) và đội bóng đất Thủ Dầu Một đã tận dụng triệt để cơ hội này, ghi bàn quân bình tỷ số.
Nhìn nhận một cách công bằng, trận đấu dù có 4 phút bù giờ nhưng trọng tài cho “trôi” sang phút 95 cũng hợp lý (bởi cầu thủ Long An “câu giờ” như đã nói). Nhưng việc ông Triết giơ biển báo bù giờ lại là hành động nằm ngoài quy định của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA). Nói cách khác, người điều khiển trận đấu đã xử lý khá… tùy tiện.
Tương tự như vậy, chúng tôi tin rằng, dẫu có sự hỗ trợ rất tích cực từ các video thì VAR cũng sẽ không thể đưa một số trận đấu “về đích an toàn”, nhất là với các trường hợp thuộc về trách nhiệm trọng tài - những “điểm đen” trong công tác cầm cân nảy mực đã hơn một lần xảy ra ở V.League.
Chẳng phải nhiều “bê bối trọng tài” ở giải quốc nội (khiến Ban tổ chức tốn không ít tiền của mời trọng tài ngoại) chủ yếu xuất phát từ “lỗi tư tưởng” chứ không đơn thuần là “lỗi chuyên môn” sao?
Mà với “lỗi tư tưởng” thì chẳng công nghệ hay máy móc nào có thể làm thay, “cứu” được trọng tài ở sân chơi V.League.