Ngẫm từ chuyện thay HLV ở V.League 2019

Trước vòng 15 V.League 2019, huấn luyện viên trưởng câu lạc bộ S. Khánh Hòa Võ Đình Tân đã đệ đơn lên lãnh đạo câu lạc bộ xin từ chức.

 

Một kết cục không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia khi sau 14 lượt trận, thày trò ông Võ Đình Tân chỉ có 2 trận thắng, 3 lần chia điểm và phải nhận thất bại tới 9 lần.

Trước khi bàn về chuyện thay huấn luyện viên (HLV) ở V.League 2019, hãy nhắc lại một “kỷ lục” mà câu lạc bộ (CLB) TV. Ninh Bình (đã giải thể) từng thiết lập ở V.League 2010.

Mùa giải năm ấy, chưa kịp vui mừng với thành tích đưa đội bóng cố đô Hoa Lư thăng hạng chuyên nghiệp, nhà cầm quân Nguyễn Văn Sỹ đã bất ngờ nhận được quyết định sa thải từ lãnh đạo CLB. Thay thế Nguyễn Văn Sỹ là cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Tavares. Ây thế nhưng mùa bóng còn chưa khởi tranh, ông thầy người Brazil đã phải chịu kết cục tương tự do có những phát ngôn bị cho là gây ảnh hưởng tới hình ảnh đội nhà. Sau chừng một tháng cầm quyền, với thành tích 1 thắng, 2 hòa và 1 thua, chiến lược gia Robert Lim là người thứ ba mất việc và trong thời gian tìm người mới, hai trợ lý: Đức Cảnh và Như Thuần được giao nhiệm vụ phụ trách chuyên môn.

1 băng ghế chỉ đạo, 4 nhà cầm quân thay nhau tiếp quản chỉ trong khoảng thời gian trên dưới 2 tháng. Đây có thể xem là câu chuyện “xưa nay hiếm” ở giải chuyên nghiệp và là dẫn chứng điển hình cho tư duy nóng vội, thiếu chuyên nghiệp của các ông bầu sân cỏ.

Trở lại chuyện của các nhà cầm quân ở giải bóng đá vô địch quốc gia năm nay. Trước khi HLV Võ Đình Tân đệ đơn từ chức, nhiều nhà cầm quân khác như Lee Heung Sil (CLB Viettel), Nguyễn Văn Sỹ (Nam Định), Hoàng Văn Phúc (Quảng Nam FC) đã lần lượt rút lui khỏi băng ghế chỉ đạo - những chuyển động tái khẳng định thực tế: Cầm sa bàn chỉ đạo ở giải chuyên nghiệp chưa bao giờ là công việc dễ dàng.

huấn luyện viên trưởng câu lạc bộ S. Khánh Hòa Võ Đình Tân đã đệ đơn lên lãnh đạo câu lạc bộ xin từ chức

Vẫn biết đây là kết cục chẳng mấy vui vẻ với cả kẻ ở - người đi và rất có thể, từ nay đến khi V.League 2019 kết thúc, sẽ có thêm những ông thày phải rời ca-bin huấn luyện. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện thay HLV trưởng còn là những tín hiệu rất đáng mừng, xuất phát từ sự thay đổi tư duy của các ông bầu V.League.

Chẳng phải thế sao khi mà lá đơn từ nhiệm của các HLV nói trên đều được gửi đi sau chuỗi trận đấu mà thành tích không như kỳ vọng. Ở sân Tam Kỳ, HLV Hoàng Văn Phúc nhận trách nhiệm khi sau 10 vòng đấu, đội nhà chỉ giành được 8/30 điểm tối đa. Khá hơn một chút, dưới thời HLV Lee Heung Sil, CLB Viettel kiếm được 14/36 điểm sau vòng 12 nhưng kết quả này không thể giúp lãnh đạo đội bóng kéo dài sự kiên nhẫn. Tương tự như vậy là trường hợp các tập thể: Nam Định, S.Khánh Hòa.

Nói cách khác, đa số các bận thay HLV đều bắt nguồn từ lý do chuyên môn. Chưa hết, dù là HLV chủ động từ chức hay bị lãnh đạo CLB sa thải thì từng nhà cầm quân đều có một quãng thời gian tương đối dài để thi thố năng lực. Thậm chí, nguyện vọng từ chức của HLV Võ Đình Tân mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết còn không được chấp thuận. Theo lời của lãnh đạo CLB thì HLV Võ Đình Tân là người có công lớn trong việc đưa S.Khánh Hòa từ hạng Nhì lên chuyên nghiệp nên cần tạo cơ hội để ông cùng học trò vượt qua khó khăn.

Điều này khác biệt, thậm chí là hoàn toàn tương phản với những lần thay HLV chớp nhoáng, thậm chí là vin vào những lý do “phi chuyên môn” để sa thải như một số ông bầu V.League từng làm trong quá khứ.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận