Sức chơi của 'đại gia'

Không chỉ dẫn đầu giải hạng Nhất, CLB Phù Đổng Ninh Bình gây ấn tượng rất mạnh với cả làng sau giai đoạn lượt đi khi toàn thắng 10/10 trận...

 

CLB Phù Đổng Ninh Bình ghi tới 18 bàn thắng và chỉ để lọt lưới duy nhất 1 bàn; bỏ xa đội xếp thứ hai là PVF Công an nhân dân tới 9 điểm. Những thông số khiến cả làng  thừa nhận: Đội bóng nơi cố đô Hoa Lư đã “đặt một tay vào chức vô địch”.

Trên thực tế, từ trước khi giải hạng Nhất 2024/2025 khởi tranh, Ninh Bình FC đã khiến cả làng chú ý khi “bạo chi” trên thị trường chuyển nhượng. Với hàng loạt bản hợp đồng đắt giá, “đội bóng trăm tỷ” nổi lên như một ứng cử viên sáng giá và duy nhất cho chức vô địch. Chỉ tính bản hợp đồng với Nguyễn Hoàng Đức - chủ nhân của hai danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam đã gia nhập đội bóng cố đô Hoa Lư theo bản hợp đồng có thời hạn 3 năm cùng ngân khoản lót tay được đồn đoán lên tới 26,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó là các cái tên chói sáng khác như thủ thành Đặng Văn Lâm, các cầu thủ: Đinh Thanh Bình, Nguyễn Quốc Việt, Đỗ Thanh Thịnh, Nguyễn Hữu Tuấn... Dĩ nhiên, tiền chuyển nhượng cũng tỷ lệ thuận với giá trị, năng lực cầu thủ.

CLB Phù Đổng Ninh Bình gây ấn tượng rất mạnh với cả làng sau giai đoạn lượt đi khi toàn thắng 10/10 trận.Mô hình, sách lược này - thực tế đã xuất hiện khá nhiều ở làng bóng quốc nội, nhất là giải chuyên nghiệp V.League. Đầu mùa bóng 2016, dưới sự bảo trợ của tập đoàn FLC, sân Thanh Hóa nhanh chóng trở thành “miền đất hứa” của giới quần đùi áo số. Nhiều ánh mắt nhìn về nơi đây trong sự ao ước. Xa hơn nữa, V.League từng chứng kiến những bận mua sắm rất rầm rộ ở các sân Ninh Bình, sân Thống Nhất. Với túi tiền dồi dào, hai ông bầu Hoàng Mạnh Trường, Nguyễn Đức Thụy lúc đó đã tuyển quân theo tiêu chí tiền đè chết người, gần như là vơ cạn, vét sạch bất cứ một cầu thủ thuộc diện “có số má” nào về dưới trướng. Và còn đó những Viettel FC (2020), Bình Định FC (2022), Công an Hà Nội FC (2023), Nam Định FC (2023/2024) - họ ít nhất đều đã hơn một lần nổi lên như “ông lớn” đích thực.

Ấy thế nhưng, sự giàu có ấy nhiều phần chỉ mang tính giàu xổi; bởi nó gắn rất chặt với túi tiền nhà tài trợ và mức độ chịu chơi của ông bầu. Nói cách khác, một khi doanh nghiệp “rút ống thở” (có thể do đã đạt được mục đích đánh bóng thương hiệu hoặc đã… trúng thầu dự án) những “gã nhà giàu” sẽ rất nhanh chóng rơi vào bi kịch ăn đong, thậm chí là lăn đùng ra giãy đành đạch.

Chẳng phải thế sao khi không ít đại gia trong quá khứ (Bình Định, Thanh Hóa) đã trở về vị thế vốn có - ở tầm khá hoặc “ngựa ô” của giải chuyên nghiệp. Hoàng Anh Gia Lai, B. Bình Dương thì vẫn vừa đá vừa ăn mày dĩ vãng - nhiều mùa giải gần đây còn phải đối mặt với nỗi lo rớt hạng. Ngay tại xứ cờ lau, hơn một thập kỷ trước, người Ninh Bình còn ồn ào, trống giong cờ mở với CLB TV. Ninh Bình nhưng đội bóng này (cùng với đại gia XT Sài Gòn) đã bị giải thể. Ở thời điểm hiện tại, dẫu nguồn thu từ tiền bản quyền truyền hình, tiền vé vào sân cũng một số nguồn thu khác đã tăng lên đáng kể theo thời giá thì vẫn chưa có tập thể nào có thể lấy bóng đá nuôi bóng đá.

Vì lẽ đó, khi Phù Đổng Ninh Bình thống trị giải hạng Nhất mùa 2024/2025; bên cạnh những cái gật đầu theo kiểu “tất lẽ dĩ ngẫu phải thế” (với dàn hảo thủ như đã liệt kê cùng cái két sắt vô tận của nhà tài trợ, thầy trò HLV Nguyễn Việt Thắng không bay cao, bay xa mới lạ) - là không ít ánh mắt hoài nghi: Chẳng rõ sức chơi của “đội bóng trăm tỷ” này sẽ kéo dài được bao lâu? Hay Phù Đổng Ninh Bình FC cũng như bao gã nhà giàu khác, chỉ là những đội bóng lớn trong một/vài mùa giải?

Chỉ có nhà tài trợ mới cho chúng ta đáp án chân xác nhất.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận