Đó là giải thích của nhà cầm quân Popov của đội bóng bên bờ sông Mã về việc đội nhà liên tiếp trải qua 5 trận đấu không biết mùi chiến thắng.
Cần thấy rằng việc một câu lạc bộ chuyên nghiệp ở xứ ta ấm ức vì bị quây, đánh hội đồng là không hiếm. Tròn một thập kỷ trước, thời điểm Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai còn gây tiếng vang với cả làng bởi những sản phẩm nội địa chất lượng cao mà người góp sức không nhỏ chính là thầy giáo Guillaume Graechen qua những bài giảng, giáo án đạt chuẩn châu Âu. Ấy thế nhưng, dẫu được công nhận là nhà giáo ưu tú song khi rời khỏi bục giảng để trở thành huấn luyện viên trưởng (dẫn dắt chính đội bóng Hoàng Anh Gia Lai), thầy trò ông Guillaume Graechen lại cho thấy sự bất cập rõ rệt khi không thể cạnh tranh về điểm số với các đối thủ. Trước nguy cơ rớt hạng, ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã phải làm một chuyện chẳng đặng đừng là chỉ định thầy nội Nguyễn Quốc Tuấn “nhiếp chính”. Kết quả là đội bóng đóng đại bản doanh tại cao nguyên Pleiku đã trụ hạng trong sự ngỡ ngàng của người hâm mộ. Trong chuỗi thành tích ấn tượng cuối mùa, các học trò của HLV Nguyễn Quốc Tuấn đã nhiều phen đả bại những đối thủ trên cơ.
Cú thoát hiểm ngoạn mục ấy khiến ông Trần Bình Sự - người dẫn dắt CLB Đồng Nai (đối thủ cạnh tranh trực tiếp với HAGL năm ấy) thốt ra phát ngôn nổi tiếng: Về chuyên môn chỉ ở cấp độ học trò nhưng Nguyễn Quốc Tuấn hơn Guillaume Graechen ở… mối quan hệ.
Có hay không việc ông Nguyễn Quốc Tuấn sử dụng quan hệ để cải thiện thứ hạng cuối mùa giải thì không ai có thể khẳng định hay phủ nhận. Nhưng ngày còn ở trên chiếc ghế quyền lực nhất làng cầu quốc nội, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) - Nguyễn Trọng Hỷ từng nói, đại ý: Giải chuyên nghiệp vẫn an toàn, ngoài một số “trận cầu ma” chiếm tỷ lệ nhỏ thì đa phần các cuộc thư hùng vẫn diễn ra sòng phẳng, trung thực.
Điều này có nghĩa, ông Hỷ thừa nhận V.League chưa hoàn toàn “sạch”, vẫn hiện diện những “cái bắt tay” nơi hậu trường và trong một số thời điểm, đó chính là chiếc chìa khóa vàng để biến nguy thành an. Đáng nói hơn, các quan hệ (nếu có) này lại là bài toán không có lời giải với các thầy ngoại do bất đồng ngôn ngữ, không hề am hiểu những bí ẩn nơi hậu trường V.League.
Dăm bảy năm trước, sân cỏ cả nước đã sôi sùng sục trước hiện tượng một số cầu thủ của vài câu lạc bộ “đá bóng trên bàn”; truyền thông cả nước cũng gióng lên những hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ mà sự kiện hai nhóm cầu thủ của The Vissai Ninh Bình và Đồng Nai lần lượt kéo nhau ra trước vành móng ngựa gần đây là những dẫn chứng tiêu biểu.

Phải chăng vì thế mà tại V.League 2015, nhà cầm quân Guillaume Graechen phải tức tưởi lui về tuyến hai? Tương tự như vậy, hiện tượng V.League 2024-2025 Thanh Hóa FC càng về cuối mùa giải càng lạc trôi là do HLV trưởng Popov không giỏi… quan hệ?
Nói cho công bằng thì nạn dàn xếp tỷ số đã có ở sân cỏ Việt Nam từ cách đây hàng thập niên. Những ai quân tâm, gắn bó với nền bóng đá nước nhà hẳn vẫn chưa quên câu chuyện diễn ra tại hội nghị tổng kết mùa giải tròn 1994. Chứng kiến cảnh các CLB tố nhau bán độ, Trưởng ban Thanh tra VFF lúc ấy là ông Tô Hiền đã cất tiếng: CLB nào khẳng định mình sạch thì giơ tay lên (?).
“Một câu hỏi lớn không lời đáp”. Bầu không khí đang nhao nhao như chợ vỡ bỗng im phăng phắc và tất nhiên, chẳng có cánh tay nào giơ lên. Đó chính là câu trả lời chân thực, đầy đủ, đanh thép về việc thực trạng các CLB ở ta “đá bóng trên bàn”, “đá bóng qua điện thoại”.
Với tư duy ấy, không ngạc nhiên khi các ông thầy ngoại không ngừng rơi vào bi kịch “ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu”.