“Ngôi vương” bóng đá khu vực lần thứ ba của “những ngôi sao vàng” ghi đậm dấu ấn của một số cá nhân, nhưng trên hết, Đội bóng của chúng ta đã có một quá trình chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc cùng tinh thần thi đấu vượt khó mà hiếm tập thể nào có được.
Điểm rất dễ nhận thấy là hành trình đăng quang của thầy trò HLV Kim Sang Sik có sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc. Để dốc toàn lực cho sân chơi khu vực, giải Vô địch quốc gia V.League 2024/2025 đã được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) bấm lệnh dừng; giữa Đội tuyển và các CLB cũng không có cái gọi là mâu thuẫn, bất đồng trong việc triệu tập và giữ cầu thủ. Điều này hoàn toàn tương phản với các đội tuyển: Thái Lan, Indonesia, Philippines hay Singapore - họ không có được lực lượng mạnh nhất do nhiều CLB cương quyết không nhả quân.
Lấy đội tuyển Indonesia làm điểm quan sát, do Asean Cup không nằm trong thời gian diễn ra FIFA Days; mà phần đông trụ cột của Indonesia đang chơi bóng ở châu Âu nên thành phần nòng cốt của đội bóng xứ Vạn đảo là các cầu thủ lứa U21. Việc phải triệu tập tới cả tiền đạo tuổi teen Arkhan Kaka (sinh năm 2007) khiến tập thể này thiếu kinh nghiệm, thậm chí có nhiều cục diện, tình huống họ tỏ ra khá non nớt trước các đối thủ.
Không chỉ có trong tay lực lượng mạnh nhất, nhà cầm quân người Hàn Quốc Kim Sang Sik còn được VFF tạo điều kiện để cùng học trò tập huấn tại Hàn Quốc. Chính vì có nhiều thời gian ăn-tập cùng nhau nên nội bộ Đội tuyển nhanh chóng có sự gắn kết, ăn ý giữa tân binh và cựu binh.
Xuyên suốt Giải, nhiều thời điểm “lữ đoàn đỏ” đã phải đối mặt với cục diện rất khó khăn. Chẳng hạn như ở vòng bảng, trong một thế trận tưởng chừng sẽ trắng tay trước Philippines thì Doãn Ngọc Tân đã có bàn thắng gỡ hòa ở thời khắc quyết định (phút 90+7). Tương tự như vậy, nhà đương kim vô địch đã ghi tới 2 bàn thắng vào lưới Singapore ở những phút bù giờ của hiệp hai. Và đặc biệt là trong trận Chung kết lượt về trên sân Rajamangala (Thái Lan), mặc dù thiếu vắng tiền đạo chủ lực trong gần 2/3 thời gian thi đấu chính thức, lại bị “voi chiến” vượt lên ở phút 64 sau “bàn thắng xấu xí” của Supachok Sarachat nhưng điều này không những chẳng khiến Tiến Linh, Quang Hải, Hai Long cùng đồng đội gục ngã; ngược lại, nó còn thổi bùng lên tinh thần thi đấu mạnh mẽ, kiên cường.
Có thể khẳng định, trước sức ép về tâm lý và tỉ số, Đội tuyển Việt Nam đã dùng trái tim nóng và cái đầu lạnh để vượt qua. Chúng ta vững vàng trước các đợt tấn công liên tiếp của đối thủ và lật ngược thế trận bằng hai bàn thắng từ những pha phản công sắc bén, thần tốc (bàn thắng cân bằng tỉ số 2-2 do hậu vệ Thái Lan phản lưới nhà).
Bên cạnh đó, hành trình đăng quang ASEAN Cup lần này của Đội tuyển Việt Nam cũng ghi đậm dấu ấn của một số cá nhân. Đó là một Nguyễn Xuân Son - tiền đạo nhập tịch, lần đầu tiên khoác trên mình chiếc áo cờ đỏ sao vàng nhưng hòa nhập rất tốt và cho thấy khả năng săn bàn sát thủ (7 bàn thắng/5 trận).
Dấu ấn cá nhân còn biểu hiện ở HLV Kim Sang Sik với khả năng xoay vòng nhân sự hợp lý. Trước lịch thi đấu dày đặc, ông thầy đến từ đất nước có món Kim chi nổi tiếng đã sử dụng tới 5-6 đội hình xuất phát. Các trụ cột như: Hoàng Đức, Quang Hải, Tiến Linh, Nguyễn Filip, Duy Mạnh hay Tuấn Hải đều có thêm thời gian nghỉ ngơi trên băng ghế dự bị. Đáng nói hơn, các quân bài ẩn trong tay HLV Kim Sang Sik đều tỏ ra rất hiệu quả mỗi bận được tung vào sân khiến cho đến khi giải đấu hạ màn, người hâm mộ vẫn không thể đọc vị đội hình tối ưu của Đội tuyển Việt Nam tại ASEAN Cup 2024.
Những yếu tố này đã giúp các học trò của nhà cầm quân HLV Kim Sang Sik ung dung, đĩnh đạc bước lên bục cao nhất trong sự tâm phục khẩu phục của cả làng!