Vượt qua chính mình - khẩu hiệu tiên quyết với mỗi VĐV chuyên nghiệp, thêm một lần nữa được minh họa rõ nét qua tấm HCĐ mà Lê Văn Công đoạt được tại Paralympic Paris 2024. “Tôi bị dập xương vai, rách sụn và rách bán sụn cơ vai trái, trước lúc đi thi đấu tôi xác định là cố gắng có cơ hội cạnh tranh huy chương. Giành được tấm HCĐ là một sự cố gắng của BHL cũng như bản thân tôi. Tôi cảm ơn gia đình, toàn đoàn và người hâm mộ đã cổ vũ, động viên. Tôi đã không phụ sự tin tưởng của mọi người” - Lê Văn Công khiêm tốn nói về thành tựu lớn nhất trong năm 2024.
Trước khi dự Paralympic Paris 2024, Lê Văn Công nắm giữ kỷ lục thế giới ở hạng 49kg với thành tích 183,5kg, đồng thời cũng nắm giữ kỷ lục Paralympic với thành tích 183kg. Đó là những cột mốc mà lực sĩ sinh năm 1984 chưa thể tái lập sau thời gian dài vật lộn với chấn thương. Để giành vé đến Paris 2024, anh đã phải liên tục thi đấu các giải vòng loại nên không có thời gian để chữa trị dứt điểm chấn thương. Giải pháp duy nhất là vừa tập vừa điều trị phù hợp nhất có thể.
Khi bước vào tranh tài ở nước Pháp, Lê Văn Công thành công lượt đầu với mức tạ 171kg ở hạng 49kg, sau đó không thành công ở hai lần cử còn lại, đành chấp nhận giành HCĐ. Còn HCV thuộc về Omar Qarada của Jordan, với mức tạ 181kg... Như vậy, Lê Văn Công đã trải qua 4 kỳ Paralympic, sưu tập đủ 3 màu huy chương, trước đó là HCB tại Tokyo 2021 và HCV tại Rio 2016.
“Tại Rio 2016, năm đấy tôi vừa giành được HCV, vừa giành được 2 kỷ lục, một kỷ lục Paralympic, một kỷ lục thế giới. Tôi đã mang thành tích về cho thể thao người khuyết tật và đem lại niềm vui cho người hâm mộ nước nhà. Đấy là kỷ niệm khó quên” - Văn Công nhớ lại.
Ở tuổi 40, ít ai ngờ Lê Văn Công vẫn có thể giành huy chương Paralympic, nhưng anh vẫn duy trì được đỉnh cao vinh quang nhờ ý chí mạnh mẽ, tinh thần cống hiến hết mình vì màu cờ sắc áo. Thể thao cũng mang lại cho anh rất nhiều thứ. Văn Công chia sẻ: “Tiếp xúc với các anh chị trong đội tuyển cùng hoàn cảnh với mình, rồi các đối thủ thi đấu, tôi thấy không còn khoảng cách với những người xung quanh. Tôi tự tin để hòa nhập với xã hội. Thể thao đem dến cho tôi nguồn thu. Mỗi lần có thành tích, huy chương, tôi lại có tiền thưởng đem về cải thiện cuộc sống gia đình. Thể thao còn tạo cho tôi những mối quen biết, sự liên kết trong công việc. Tôi có một xưởng sản xuất thiết bị âm thanh, song song với đó còn nhận set up hệ thống âm thanh cho các quán karaoke, quán bar, các sự kiện… Thể thao đã đem đến cho tôi những điều tốt đẹp”.
Sinh ra với đôi chân không lành lặn, Lê Văn Công rời quê hương Hà Tĩnh ở tuổi 18 để vào TP. HCM theo học ngành kỹ thuật điện tử, phải vừa học vừa làm thêm tại một xưởng gỗ, thậm chí từng nếm trải thời gian dài “ngày đi học, đi làm, tối lên chùa xin cơm chay"… Bước ngoặt đến vào năm 2005, khi Lê Văn Công đến Trung tâm Thể thao quận Tân Bình để rèn luyện sức khỏe, và phần sau đó là cả một hành trình vinh quang.
“Là một VĐV, tôi phải cố gắng từng ngày để hoàn thiện giáo án của BHL, nâng cao thành tích. Qua những tháng ngày tập luyện, trau dồi, đặc biệt qua từng giải đấu, tôi có thêm kinh nghiệm học hỏi từ các anh chị, từ các đối thủ. Tôi tiếp tục hoàn thiện bản thân, cải thiện thể trạng, nhất là phục hồi chấn thương, để có thể vượt ngưỡng một lần nữa” - Lê Văn Công bày tỏ mong muốn tham dự thêm một kỳ Paralympic nữa, dù khi đó anh đã 44 tuổi./.