Khi cả làng chúng khẩu đồng từ

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã gửi công văn cho CLB Nam Định về việc gọi tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son lên đội tuyển tham dự ASEAN Cup (AFF) 2024.

 

Chưa lâu sau sự việc này người hâm mộ túc cầu giáo khu vực lại xôn xao với thông tin: Bóng đá Campuchia gọi cùng lúc 8 cái tên nhập tịch để chuẩn bị cho sân chơi này.

Hãy nhắc lại trận đấu Việt Nam - Malaysia tại vòng bảng AFF Cup 2022. Ở trận thư hùng năm ấy, người hâm mộ không chỉ bất ngờ về một trận thua tâm phục khẩu phục của hổ Mã Lai mà còn sửng sốt trước việc HLV trưởng đội bạn - ông Kim Pan Gon - làm bản danh sách có tới 5 cầu thủ gốc ngoại quốc là: Sergio Aguero (người Argentina), David Rowley (người Australia), Stuart Wilkin, Lee Tuck (đều sinh ra ở Anh), Darren Lok (người Anh).

Thực tế ấy cho thấy, việc nhập khẩu cầu thủ là xu thế tất yếu của bóng đá thế giới hiện đại. Từ nhiều năm trước, Philippines, Singapore đã công khai tầm nhìn hướng ngoại, bước đầu gặt hái được những thành công trên sân cỏ. Chẳng phải đội tuyển bóng đá Indonesia đang là điểm nóng của dư luận vì dàn cầu thủ nhập tịch tại vòng loại thứ ba Word Cup 2026, khu vực châu Á đó sao?

Tuy nhiên, ở Việt Nam, câu chuyện sử dụng cầu thủ nhập tịch còn liên quan đến nhiều vấn đề khác. Ngày còn giữ cương vị cao nhất VFF, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ từng nhiều bận ưu tư về sự khác biệt ngôn ngữ, văn hóa và đặc biệt là hình thể giữa cầu thủ bản địa với các đồng nghiệp nhập tịch. Chính vì điều này nên Hoàng Vũ Samson (Quảng Nam FC), Đỗ Merlo (SHB Đà Nẵng),… dù có cả trên dưới nửa thập kỷ chơi bóng ở V.League vẫn liên tục lỗi hẹn mỗi khi đội tuyển hội quân.

Bước chuyển mình về tư duy của các quan chức bóng đá Việt Nam bắt đầu từ trên dưới một thập kỷ trước, áp dụng với cầu thủ Việt kiều. Theo VFF, họ chí ít cũng mang trong mình nửa dòng máu Việt (có bố hoặc mẹ là người Việt, chẳng hạn thủ thành Đặng Văn Lâm), hoặc là người Việt Nam nhưng trưởng thành ở nước ngoài (như cựu tiền vệ CLB Thanh Hóa - Mạc Hồng Quân). Điều này có nghĩa, văn hóa Việt đậm trong suy nghĩ, lối sống của họ và ngoại hình cũng  tương đồng với các cầu thủ đang lập nghiệp ở xứ ta.

Tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son được gọi lên đội tuyển tham dự ASEAN Cup (AFF) 2024.Đến trường hợp Nguyễn Xuân Sơn thì câu chuyện, quan điểm về nhập khẩu cầu thủ đã mang ý nghĩa khác hẳn. Có vẻ như VFF đã hoàn toàn cởi trói về tư duy và nếu không có gì thay đổi, Đội tuyển Việt Nam sẽ sở hữu một ông Tây chính hiệu.

Về mặt chuyên môn, năng lực của Nguyễn Xuân Sơn đã sớm thuyết phục được các tuyển trạch viên dù là khó tính nhất khi anh liên tục đứng đầu danh sách cầu thủ “dội bom” tại V.League. Ở góc độ khác, do sự vượt trội về thể lực, thể hình và kinh nghiệm tích lũy từ các nền bóng đá tiên tiến nên sự xuất hiện của cầu thủ Việt kiều, cầu thủ nhập tịch chắc chắn sẽ tạo ra sự ganh đua tích cực giữa các vị trí. Dù là thủ môn, hậu vệ, hay tiền vệ, tiền đạo thì khi được triệu tập, tất cả đều phải thường trực suy nghĩ: Cần nỗ lực, cống hiến hết mình nếu như không muốn mất suất đá chính.

Đáng nói hơn, dẫu chủ trương này được thông qua nhưng VFF vẫn khẳng định sẽ không lạm dụng cầu thủ nhập tịch mà chỉ những ai có chuyên môn cao và quan trọng là phải có khát khao cống hiến mới được trao cơ hội. Đây cũng là triết lý dùng người của đội tuyển Malaysia 2 năm trước. Trong một lần trao đổi với báo giới, nhà cầm quân người Hàn Quốc Kim Pan Gon đã thẳng thắn bày tỏ: “Cầu thủ nhập tịch luôn hướng trái tim về phía đội tuyển, sao chúng ta lại từ chối họ?”.

Không còn nghi ngờ gì nữa, viễn cảnh về một ASEAN Cup tràn ngập cầu thủ nhập tịch đã hiển hiện ngay trước mắt. Chỉ hy vọng các đội tuyển sẽ sử dụng nguồn cầu thủ này một cách hợp lý để bóng đá khu vực gặt hái thêm được những thành công mới trong tương lai./

 

Bình luận

    Chưa có bình luận