Điều đáng nói là trên văn bản, lãnh đạo Quảng Nam FC đã không ngần ngại chỉ rõ những sai sót ấy mang tính hệ thống, đồng thời bày tỏ nghi ngờ về tính minh bạch của giải đấu.
Cụ thể, theo tố cáo của Quảng Nam FC, ở trận gặp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (vòng 4); cầu thủ Noel Mbo của Hà Tĩnh đã có hành vì đánh nguội Vũ Tiến Long ở phút 13. Tuy nhiên, thay vì phạt thẻ đỏ, trọng tài chỉ rút thẻ vàng. Ba vòng đấu sau, cầu thủ Dương Văn Khoa của Bình Định đã vào bóng thô bạo với Nguyễn Văn Trạng của Quảng Nam ở phút 77. Song, người điều khiển trận đấu không rút thẻ phạt. Cần nói thêm là sau va chạm này, Văn Trạng đã phải nghỉ thi đấu tới 3 tháng để điều trị.
Và gần đây nhất là tại vòng 8 mùa bóng 2024/2025, trong trận thư hùng với Sông Lam Nghệ An (SLNS), khi hiệp 1 chỉ còn 5 phút nữa sẽ kết thúc, cầu thủ Ngân Văn Đại bất ngờ bị thủ môn SLNA cản ngã trong vòng cấm. Trọng tài Nguyễn Mạnh Hải lập tức chỉ tay vào chấm 11m nhưng sau khi “check VAR”, ông Hải đã “bẻ còi”, hủy quyết định thổi phạt đền trước đó ít phút.
Cần phải nói ngay rằng, hầu như năm nào V.League cũng nổi sóng vì những tiếng còi trọng tài. Kẻ nghi ngờ năng lực cầm còi của đội ngũ áo đen; người băn khoăn về lỗi tư tưởng của những người điều khiển trận đấu. Thậm chí, trong quá khứ đã có tới vài CLB gửi văn bản tới Liên đoàn, tuyên bố cạch mặt một vị vua sân cỏ. Lịch sử V.League từng chứng kiến một chuyển động ngỡ như đùa khi đội bóng nọ gửi công văn ghi rõ: Đề nghị VFF không sắp xếp trọng tài A điều khiển các trận mà đội nhà thi đấu…
Song đáp lại chỉ là những phản hồi rất bàng quan, thiếu trách nhiệm từ những người làm giải. Cựu Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Quốc gia, ông Nguyễn Văn Mùi từng có phát ngôn để đời: Năng lực trọng tài dẫu yếu thì có thể thông cảm, nhưng chúng tôi sẽ xử nghiêm các lỗi tư tưởng. Đại ý, ông Mùi muốn vạch rõ lỗi tư tưởng (trừng trị thẳng tay) và “lỗi nhận định (có thể cảm thông).
Nhưng ranh giới giữa hai lỗi này ra sao?
Thời còn giữ cương vị Trưởng Ban tổ chức V.League, trước bức xúc, nghi ngờ của người hâm mộ về một số trận cầu có dấu hiệu dàn xếp tỉ số, đề nghị VFF điều tra, kỷ luật thích đáng, ông Dương Nghiệp Khôi đã liên tục yêu cầu nguyên đơn đưa ra bằng chứng. Mà để có được bằng chứng (đối với lỗi tư tưởng của trọng tài) thì ai cũng biết - còn khó hơn lên trời. Chẳng thế mà nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao Hà Quang Dự từng nêu quan điểm: Yêu cầu có chứng cứ đối với người cung cấp thông tin là rất khó bởi người cung cấp thông tin không phải cơ quan điều tra. Việc tìm ra chứng cứ là việc của cơ quan chức năng. Vị cựu tư lệnh ngành thể thao họ Hà còn nhấn mạnh: Để có chứng cứ thì các cơ quan có trách nhiệm phải chủ động điều tra, không nên chờ vào người cung cấp thông tin đưa ra bằng chứng.
Không khó để nhận thấy, việc các quan chức VFF đòi hỏi bằng chứng là thiếu cầu thị và không phải là phản ứng cần thiết, đúng mực của người đứng đầu Hội đồng Trọng tài hay Trưởng Ban tổ chức. Lẽ ra họ nên lắng nghe rồi phối hợp với Ban tổ chức trận đấu tiến hành mổ băng ghi hình để đưa ra kết luận, thay vì đánh đố người tố cáo bằng cách yêu cầu bằng chứng.
Chính vì không cung cấp được bằng chứng cụ thể nên các nghi án trong quá khứ cứ nối nhau… chìm xuồng.
Điều này có nghĩa, nhiều khả năng, đơn tố cáo của Quảng Nam FC lần này cũng chỉ là ném đá ao bèo.