Theo đó, số suất giành cho châu Á cũng tăng lên 8,5 khiến “cửa” cho đại diện bóng đá Đông Nam Á góp mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh bỗng “sáng” hơn bao giờ hết. Song tất cả vẫn chỉ đang dừng ở cấp độ “giấc mơ”.
Sau khi Việt Nam, Thái Lan dừng bước ở vòng loại thứ hai World Cup 2026, bóng đá Indonesia với sách lược nhập tịch cầu thủ cũng chen được tới vòng loại thứ ba, song có vẻ như đó đã là cực hạn của túc cầu giáo khu vực.
Hơn một thập kỷ trước, để chào mừng 90 năm thành lập Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (2006), người Thái đã thực thi một loạt kế hoạch, từ nâng cấp cơ sở hạ tầng tới đẩy mạnh đào tạo trẻ, và cả gửi những nhân tố tiềm năng sang xứ sương mù để học tập; trong niềm hy vọng sẽ là tập thể đầu tiên ở Đông Nam Á giành suất tham dự World Cup 2010 ở Nam Phi. Nhưng không đạt được mục tiêu. 4 năm sau, trước thực tế túc cầu giáo nước nhà đang sở hữu một thế hệ trẻ tài năng, Liên đoàn Bóng đá Thái tiếp tục chi ra cả núi tiền để thắp lại giấc mơ. Nhưng cũng như 4 năm trước, thành tích lớn nhất của bóng đá nước này tại chiến dịch săn vé World Cup 2018 chỉ là vào tới vòng loại thứ ba.
Nếu như bóng đá Thái Lan gây ấn tượng bằng sự quyết tâm, bài bản cùng một lộ trình dài hơi (dẫu không thoát khỏi kết cục vỡ mộng vào phút chót) thì người Indonesia đã tạo ra cơn địa chấn khu vực bởi món mì ăn liền mang tên cầu thủ nhập tịch. Cần nói thêm là sách lược sử dụng cầu thủ nhập tịch phải hứng chịu chỉ trích rất mạnh từ không ít quan chức thể thao, người hâm mộ Indonesia, song nhà cầm quân Shin Tae Yong vẫn bất chấp. Đỉnh điểm của việc lạm phát cầu thủ nhập tịch là tại đợt tập trung cho 2 trận đấu trước Bahrain và Trung Quốc, HLV Shin Tae Yong đã gọi cùng lúc 16 cái tên ngoại.
Thực tế cho thấy có thời điểm, liều thuốc bổ mang tên cầu thủ nhập tịch đã phát huy công dụng rất mạnh. Họ lần lượt thủ hòa trước hai đối thủ rất mạnh là Saudi Arabia và Australia ở hai lượt trận đầu tiên. Tuy nhiên, hơn một tuần trước, với thất bại 1-2 trước đội tuyển Trung Quốc, giấc mơ World Cup của bóng đá Indonesia gần như đã tan thành mây khói. Sau 4 lượt trận, đội bóng xứ Vạn đảo đã bị đẩy xuống thứ 5 bảng C, vị trí không thể tham dự được vòng play-off.
Dĩ nhiên, trong khát vọng vươn ra biển lớn, không thể không nhắc tới kỳ tích của đội bóng nước ta. Sự kiện cựu huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Quốc gia Park Hang Seo đưa Đội tuyển Việt Nam lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2022 khiến không ít người hâm mộ khấp khởi: Biết đâu sẽ có phép màu.
Nhưng rồi cuộc chạm trán với Nhật Bản tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á ngay tại chảo lửa Mỹ Đình sau đó đã đưa tất cả trở lại mặt đất: Dù là tranh chấp, tận dụng cơ hội hay thể hình, chiến thuật,… thì người Nhật vẫn hơn hẳn chúng ta về đẳng cấp. Đáng nói hơn, sau tất cả, giới mộ điệu túc cầu giáo cả nước buộc phải cay đắng thừa nhận thực tế: Thành tích mà thầy trò HLV Park Hang Seo giành được ở khu vực, châu lục cách đây chừng nửa thập kỷ chỉ là sự thăng hoa nhất thời chứ không phải kết quả của một chiến lược bài bản nào cả.
Gần hai thập kỷ mơ và nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ World Cup cùng không ít kế hoạch, lộ trình, đột phá trong tư duy nhưng thành tích lớn nhất của bóng đá khu vực tại thời điểm hiện tại chỉ là tiến gần mục tiêu World Cup!
Sự kiện World Cup 2026 thay đổi thể thức thi đấu là tiền đề rất cần thiết nhưng để Đông Nam Á góp mặt tại giải đấu này thì đó vẫn là câu chuyện ở… thì tương lai./.