Nhiệm vụ kép của thể thao Việt Nam tại SEA Games 2019

Thể thao Việt Nam đang chuẩn bị cho chiến dịch SEA Games 30 diễn ra vào cuối năm nay ở Philippines khá âm thầm.

Vì cuộc chạy đua giành vé tham dự Olympic Tokyo 2020, các nền thể thao ở khu vực Đông Nam Á sẽ tập trung lực lượng tinh nhuệ nhất mà mình có để tranh chấp thành tích ở SEA Games 30. Đây là điều dễ hiểu, bởi lẽ nhóm môn trọng điểm như điền kinh, bơi lội, bắn súng, xe đạp, rowing, canoeing… hầu hết đều được các Liên đoàn thể thao quốc tế tính chuẩn đến Tokyo vào năm tới.

Ngoài nhiệm vụ tranh huy chương để khẳng định vị thế của mình ở khu vực Đông Nam Á, những gương mặt tài năng nhất của thể thao Việt Nam cũng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore… đều theo đuổi mục tiêu đoạt tấm vé chính thức đến đấu trường Olympic. Nhờ thế, SEA Games 30 hứa hẹn sẽ xuất hiện nhiều cuộc tranh tài quyết liệt, không khoan nhượng.

Ở SEA Games 2015, VĐV Nguyễn Thị Huyền (điền kinh) là người duy nhất đạt chuẩn Olympic cho thể thao Việt Nam. Cho nên, trong cuộc hành trình đến Philippines lần này, ngành thể thao hy vọng ngoài điền kinh (1-2 suất) thì sẽ có thêm VĐV môn khác đạt chuẩn (bơi lội, rowing, canoeing). Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết: “Vòng loại Olympic bắt đầu từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2020 thì kết thúc và thành tích vòng loại của các VĐV được tính trong giai đoạn đó. Olympic bắt đầu vào tháng 8, như vậy đến tháng 6/2020 là có danh sách các VĐV vượt qua vòng loại”.

Tín hiệu khả quan từ các đội tuyển điền kinh và cử tạ thời gian gần đây cho thấy đây là 2 trong số những đội tuyển chủ lực tranh vé đến Tokyo 2020. VĐV Quách Thị Lan vừa đoạt HCV cự ly 400m rào nữ, tiếp tục duy trì phong độ ấn tượng và theo HLV Vũ Ngọc Lợi, khả năng nữ VĐV này dự Olympic ở cả 2 cự ly 400m và 400m rào nữ là rất cao, tương tự như trường hợp của Nguyễn Thị Huyền 4 năm về trước. Trong khi đó, lực sĩ Vương Thị Huyền cũng vừa đoạt 3 HCV ở giải cử tạ vô địch châu Á 2019, dù đây mới chỉ là bước “chạy đà” cho đội tuyển thiên về sức mạnh này cho các chiến dịch SEA Games hay Olympic trong năm nay. Huyền từng đoạt vé dự Olympic 2016 sau khi vô địch châu Á năm 2015 và đoạt HCB thế giới cùng năm đó.

“Nhiệm vụ kép” SEA Games và Olympic cũng sẽ đặt các gương mặt tài năng khác của thể thao Việt Nam như Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Huy Hoàng, Hoàng Quý Phước, Lê Nguyễn Paul (bơi lội), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Lê Tú Chinh, Bùi Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Thanh Phúc, Nguyễn Thành Ngưng (điền kinh), Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành (thể dục), Thạch Kim Tuấn (cử tạ)… vào thế phải gắng hết sức ngay tại đấu trường SEA Games hoặc ở những vòng loại khu vực, châu lục diễn ra từ nay cho đến khi kết thúc vòng loại Olympic. Theo ông Trần Đức Phấn, với những nhiệm vụ liên thông như vậy từ SEA Games đến Olympic, đòi hỏi phải có kế hoạch cùng những giải pháp triển khai đồng bộ.

Đầu năm nay, ngành TDTT cũng công bố bản danh sách gồm 27 HLV và 66 VĐV được đầu tư trọng điểm trong năm 2019 với tổng kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng. Ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 cho biết: “Đầu tư trọng điểm thì chế độ rất cao như chế độ ăn của HLV là 400.000/ngày, tiền công 500.000 đồng/người/ngày và VĐV cũng tương đương. Đây là chế độ đầu tư cao nhất, đảm bảo về dinh dưỡng cho VĐV”.

SEA Games luôn chứng kiến 1 cuộc chạy đua, so kè hấp dẫn giữa đoàn VĐV Việt Nam với các quốc gia mạnh như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore và Philippines, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung về trình độ chuyên môn, để giờ đây, rất nhiều VĐV của Đông Nam Á đã vươn đến đẳng cấp châu lục và thế giới ở các môn cầu lông, bóng bàn, bắn súng, bơi lội, cử tạ, điền kinh, xe đạp… sau khi vượt ra khỏi giới hạn của thể thao “vùng trũng”./.

Bình luận

    Chưa có bình luận