Sẽ có một Đội tuyển Việt Nam 'đa sắc tộc'?

Thông tin ngoại binh Rafaelson Bezerra Fernandes có quốc tịch VN tiếp tục hâm nóng một chủ đề: Nên hay không sử dụng cầu thủ nhập tịch cho Đội tuyển Quốc gia.

 

Trong quá khứ, đã vài bận, người hâm mộ thấy thấp thoáng bóng dáng những “ông Tây” trong bộ áo thi đấu in hình lá cờ đỏ sao vàng. Đó là khi cầu thủ Brazil Phan Văn Santos chính thức trở thành công dân Việt và được HLV Calisto gọi tập trung Đội tuyển 16 năm về trước. Cũng chính thầy Tô đã triệu tập hai cái tên lạ: Đinh Hoàng La (gốc Ukraine) và Đinh Hoàng Max (gốc Nigeria). Sự cởi mở về cầu thủ nhập tịch của cựu HLV trưởng Calisto vẫn chưa dừng lại bởi năm 2009, ông tiếp tục gọi Huỳnh Kesley Alves lên tuyển trong trận giao hữu với Kuwait.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, các ngoại binh nói trên đều một đi không trở lại. Trao đổi với báo giới, cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lúc bấy giờ là ông Nguyễn Trọng Hỷ cho biết, đại ý: Để trở thành tuyển thủ quốc gia, cầu thủ nhập tịch không chỉ cần có tấm hộ chiếu mà còn phải am hiểu sâu sắc văn hóa nước sở tại (tức Việt Nam). Và như để ủng hộ quan điểm này, vài năm sau, bóng đá Malaysia bước vào giai đoạn thống trị khu vực với lứa cầu thủ 100% bản địa; điều đó càng khiến ông Hỷ kiên định với đường lối: Túc cầu giáo quốc nội vẫn có thể bay cao, bay xa trên đôi cánh những kẻ theo nghiệp quần đùi áo số “Made in Việt Nam”.

Trở lại câu chuyện của Rafaelson (tên Việt Nam là Nguyễn Xuân Sơn). Ai cũng nhận thấy tính ưu việt của việc sử dụng cầu thủ nhập tịch. Ở Đội tuyển Quốc gia, sự xuất hiện của Vua phá lưới mùa giải 2023-2024, (31 pha lập công) với khả năng săn bàn sát thủ, về lý thuyết sẽ giải quyết được cơ bản những bế tắc của hàng công. Còn ở cấp độ CLB, việc anh này ra sân trong tư cách cầu thủ nội đồng nghĩa Nam Định FC sẽ có có đất cho một ngoại binh khác. Cũng có nghĩa tính cạnh tranh giữa các cầu thủ sẽ cao hơn; các chân sút nội phải nỗ lực hết mình mới có được vị trí chính thức. Đó là chưa kể, sách lược nhập khẩu cầu thủ sẽ giúp chúng ta không mất, dù chỉ một xu phí đào tạo.

Song, bên cạnh những thuận lợi nhìn thấy đó, chưa biết chừng đằng sau món “mì ăn liền ngoại quốc” ấy sẽ là những bi kịch mà nếu quá sa đà thì Đội tuyển Việt Nam (cũng như các CLB) sẽ mắc phải. Trước hết là khoảng trống khó san lấp trong công tác đào tạo trẻ. Xa hơn nữa là ánh mắt lạ lẫm của người hâm mộ khi nhìn vào đội bóng con cưng nhưng lại ngập tràn những ông Tây mắt xanh mũi lõ.

Nên hay không sử dụng cầu thủ nhập tịch cho Đội tuyển Quốc gia?Mở cửa cho cầu thủ nhập tịch lên tuyển cũng gián tiếp đóng cánh cửa với các chân sút nội. Sự vượt trội về thể lực, thể hình và phần nào là kỹ thuật khiến cho ngoại binh luôn là sự lựa chọn tối ưu trong đội hình. Chỉ cần Rafaelson giữ được phong độ ổn định bằng khoảng một nửa như khi đang chơi cho Nam Định FC thì chắc chắn những tiền đạo nội chỉ đóng vai trò làm nền cho người đồng đội gốc Brazil.

Và cũng cần nhắc lại, dưới triều đại của cựu HLV Park Hang-seo, giữa thời điểm biên giới quốc tịch trên bản đồ bóng đá thế giới ngày càng mờ nhạt, thầy Park cùng những cầu thủ bản địa đã làm nên những chiến tích đáng nể; không thua kém nhiều so với đội hình tràn ngập lính đánh thuê của Indonesia hiện tại.

Nói cách khác, việc nhập khẩu cầu thủ là xu thế tất yếu của bóng đá thế giới thời hiện đại. Nhưng thay vì chạy đua với thiên hạ, nên chăng hãy xem cầu thủ Việt gốc ngoại như đồ gia vị, làm tăng tính hấp dẫn, góp thêm phần phong phú cho sân cỏ nước nhà mà thôi./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận