Chuyển nhượng cầu thủ nội: Tiếp tục 'phá giá trần'!

Thông tin cầu thủ Công Phượng sẽ đầu quân cho đội bóng hạng Nhất với mức giá chừng 1 triệu USD/3 năm trở thành 'quả bom' chuyển nhượng của mùa bóng 2024-2025.

 

Một mặt bằng giá mới đang chuẩn bị được thiết lập, làng cầu quốc nội tiếp tục chứng tỏ là mảnh đất màu mỡ và là sân chơi không dành cho kẻ nghèo.

Trong quá khứ, sân cỏ quốc nội đã chứng kiến vài bận bão giá cầu thủ. Chừng một thập kỷ rưỡi trước, khi một loạt đại gia như Hà Nội T&T, The Vissai Ninh Bình FC, Xi măng Xuân Thành FC,… nhảy vào thị trường chuyển nhượng, giới quần đùi áo số lần đầu biết tới khái niệm tiền tỷ. Dăm năm sau, khái niệm tiền tỷ chuyển đổi thành vài tỷ, nhiều tỷ và giờ đây là những bản hợp đồng mang giá trị dăm bảy tỷ đồng cho những chân sút gắn mác tuyển thủ quốc gia.

Thật vậy, từ 3 năm trước, những Bùi Hoàng Việt Anh, Đoàn Văn Hậu,… khi đầu quân cho đội bóng mới đều nhẹ nhàng bỏ túi 6 tỷ đồng/mùa giải. Hồng Duy, Văn Thanh - kém hơn một chút cũng được trả tới 5 tỷ đồng cho một năm thi đấu. Văn Toàn xông xênh nhất khi lận lưng số tiền 7 tỷ/năm. Và đặc biệt là những cầu thủ “hàng hiệu”, nếu chấp nhận đầu quân cho các đội bóng hạng Nhất, đều trở thành đại gia chỉ sau một đêm thức giấc.

Công Phượng trở về để được cống hiến cho đội tuyển Việt Nam.Chẳng phải thế sao khi chỉ chừng một tháng trước, người hâm mộ cả nước đã một phen xôn xao trước thông tin CLB Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chồng lên bàn đàm phán số tiền 27 tỷ đồng để có được chữ ký của thủ môn Việt kiều Đặng Văn Lâm. Đây cũng là thời điểm sân chơi sang nhất làng cầu xuất hiện khái niệm cầu thủ triệu đô khi CLB Hà Nội chi 24 tỷ đồng để giữ chân Phạm Tuấn Hải. Rời Viettel FC, Hoàng Đức ẵm tới 30 tỷ đồng cho chặng đường 4 năm trước mắt. Và bên cạnh đó, dĩ nhiên là thông tin mà khán giả cả nước đang dậy sóng mấy ngày qua: Tiền đạo Công Phượng sẽ hồi hương và nếu tập thể nào muốn có chữ ký của chân sút người Nghệ An, phải chi ra cỡ 24 tỷ đồng/3 mùa giải.

Câu hỏi đặt ra là giá trị cầu thủ có tương xứng với những khoản chuyển nhượng khủng ấy? Chắc chắn là không! Với một nền bóng đá xếp hạng 116 trên bản đồ túc cầu giáo thế giới như Việt Nam mà giá trị cầu thủ lại không hề thua kém các nền bóng đá hàng đầu châu lục; bên cạnh đó, cả V.League và giải hạng Nhất không ngừng có những tập thể “xin được chết” vì chẳng đủ tài chính hoạt động. Trong cái phông chung ấy, bỗng dưng có những CLB sẵn sàng chi ra hàng chục tỷ thì người hâm mộ không phải không có lý khi định danh: ngáo giá, sốt ảo.

Sự phát triển lệch lạc, bất thường ấy một lần nữa lại bắt nguồn từ sự bạo chi của một số đội bóng nhà giàu. 3 năm trước, Bình Định FC, với sự chống lưng của một tập đoàn tài chính hùng mạnh đã liên tục khuấy đảo thị trường chuyển nhượng. Một - hai mùa giải sau là sự trỗi dậy của Công an Hà Nội FC. Cùng thời điểm này, sân Thiên Trường của Nam Định FC, với sự chèo kéo của những bản hợp đồng lớn đã trở thành “địa chỉ đỏ” cho các cầu thủ thuộc hàng sao số. Điều đáng nói là những tập thể này đều mộ binh theo sách lược tiền đè… chết người. Và như vậy, V.League mặc nhiên trở thành cuộc đua khốc liệt về tiền bạc giữa các doanh nghiệp.

Người ta có thể kêu trời vì giá cầu thủ ngày một tăng cao, nhưng một thực tế ai cũng nhìn thấy là ở xứ ta, việc đổ tiền mua ngôi sao những mong lập tức có được thành tích thực chất chỉ là một dạng thức ăn xổi. Quan trọng hơn, nó hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ bạo chi của doanh nghiệp.

Mà một khi doanh nghiệp tham gia vào chuyển nhượng thì sẽ tạo đà cho chợ cầu thủ nội tiếp tục phá mọi mức giá trần.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận