U11 Sông Lam Nghệ An bị thu hồi cúp vì gian lận tuổi: Không chỉ là tờ giấy khai sinh

Ban Kỷ luật VFF ngày 9/9 ra quyết định kỷ luật CLB bóng đá U11 SLNA, cùng một số quan chức của đoàn bóng đá này do đăng ký và sử dụng cầu thủ không đúng độ tuổi

 

Ngoài việc bị thu hồi danh hiệu, cúp, cờ, huy chương và tiền thưởng vô địch, U11 SLNA còn bị cấm tham gia các giải bóng đá do Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức trong vòng 2 năm và phải nộp phạt số tiền 10 triệu đồng.

Đây không phải lần đầu tiên những người con của bóng đá xứ Nghệ dính bê bối gian lận tuổi. Một thập kỷ trước, làng cầu quốc nội cũng xôn xao bởi nghi án cầu thủ triển vọng nhất đội tuyển U19 Quốc gia đương thời - tiền đạo Công Phượng làm lại giấy khai sinh (rút 2 tuổi).

Câu chuyện khai man tuổi năm ấy được một nhân vật đồng hương giấu tên nhưng từng có 2 năm ăn, tập cùng Công Phượng ở lò đào tạo phố Núi chia sẻ cho một người quen làm báo ở gần nhà. Theo đó, cả hai đều phải làm lại giấy khai sinh. “Em (tức người đồng đội) sinh 1994 làm lại 1996, anh Phượng sinh 1993 làm lại 1995”. Oái oăm ở chỗ, mặc dù Công Phương sinh năm 1995 (trên giấy tờ) nhưng tại lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai, những học viên sinh năm 1994 đều gọi Phượng bằng anh cả.

Cần phải nói thêm rằng, thời điểm ấy, Công Phượng cùng lứa cầu thủ trưởng thành từ phố Núi Pleiku được xem là hiện thân của một lứa cầu thủ được cả đức lẫn tài. Dư luận nước nhà ầm ĩ tới mức Đài truyền hình Việt Nam đã phải vào cuộc, về tận miền quê nghèo Đô Lương (Nghệ An) của Phượng để làm rõ thực hư. Và giữa mê cung thông tin mà truyền thông nước nhà thu thập được, đáp án cho câu hỏi tuổi thực của Công Phượng là bao nhiêu vẫn không có câu trả lời cuối cùng. Trước câu hỏi của báo giới,  bà Nguyễn Thị Hoa và ông Nguyễn Công Bảy (bố mẹ đẻ của Phượng) đều khẳng định, con mình sinh ngày 21/1/1995, đồng nghĩa Phượng không gian lận tuổi tác. Ông Bảy tiết lộ thêm thông tin: Việc sinh nở của vợ ông không được tiến hành tại cơ sở y tế mà do một bà đỡ cùng làng đảm nhiệm, song “bà cụ đã qua đời lâu lắm rồi nên không ai còn nhớ việc này nữa”.

U11 SLNA trên bục vô địch Giải bóng đá nhi đồng toàn quốc 2024 - Ảnh: VFFTrở lại câu chuyện đang “nóng ” ở giải U11 quốc gia năm nay (bế mạc ngày 7/8/2024). Theo tiết lộ của một số khán giả, nhìn vào đội hình đăng quang của U11 SLNA, họ cảm thấy kỳ lạ vì có cầu thủ 6 năm trước đã học lớp 3 tại một trường tiểu học ở Hà Tĩnh. Cứ theo lý mà suy thì em này năm nay phải là 14 tuổi - đồng nghĩa không thể tham dự sân chơi cho lứa tuổi “under 11” (dưới 11). Cần phải nói thêm là gần 2 tháng trước, trước những tin đồn về việc đội nhà “rút tuổi” cho cầu thủ, lãnh đạo U11 SLNA đã phát thông cáo báo chí khẳng định: Trung tâm Đào tạo trẻ SLNA có đủ hồ sơ, giấy tờ như giấy xác nhận hộ tịch, số định danh, căn cước công dân chứng minh cầu thủ không vi phạm quy định về tuổi đời tại giải đấu.

Trên bản đồ bóng đá nước nhà, lâu nay xứ Nghệ vẫn vang danh cả nước với truyền thống đào tạo trẻ. Thậm chí, trong khoảng thời gian 6 năm liên tiếp: Từ năm 2017-2022, túc cầu giáo xứ Nghệ vô địch giải U11 Quốc gia tới 5 lần. Nhưng vì gian lận tuổi, SLNA cũng đang giữ kỷ lục là tập thể bị tước danh hiệu vô địch nhiều nhất: 5 lần (tại giải U11 các năm: 2001, 2002; giải U13 năm 2003 và giải U15 năm 2003).

Vì lẽ đó, “điểm đen lý lịch” của U11 SLNA lần này tiếp tục giáng những đòn mạnh mẽ vào niềm tin của khán giả cũng như hình ảnh các cầu thủ đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Rất đáng thất vọng nếu bài học đầu tiên mà các em được học, rồi thể hiện lại là bài học về sự gian lận, dối trá.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận