Nhiều đội bóng được giải cứu vào phút chót: 'Đẽo chân cho vừa giày'!

Hơn 1 tuần trước, do không tìm được lối thoát về tài chính, đội bóng hạng Nhất Long An FC đã nộp đơn lên Ban tổ chức, xin không tham dự giải hạng Nhất quốc gia.

 

Song mới đây, tập thể này chợt nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” khi câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai và cựu bầu Nguyễn Đức Thụy đã tìm gặp và lên phương án hỗ trợ để CLB Long An đủ điều kiện dự Giải.

Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề này, hãy nhắc lại những chuyển động của bóng đá Đồng Tháp gần một thập kỷ trước. Năm đó, do không có “nguồn vốn bảo lãnh” theo quy định, đội Đồng Tháp cũng đứng trước ngưỡng cửa bị mất suất chơi V.League 2015. Tuy nhiên, trong một lần thị sát sân Cao Lãnh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Võ Quốc Thắng đã tham mưu cho lãnh đạo bóng đá Đồng Tháp chiêu thức “cổ phần hóa”. Theo đó, một số doanh nghiệp địa phương cùng “đứng tên” để thành lập Công ty cổ phần phát triển Bóng đá Đồng Tháp. Nhờ đó mà người Đồng Tháp vẫn bắt kịp “chuyến tàu vét” để góp mặt tại V.League 2015.

Tương tự như vậy, “người Nam Định” cũng có nguồn vốn “từ trên trời rơi xuống” để có thể lách qua khe cửa hẹp bốn năm về trước. Chẳng là kết thúc V.League 2017, đội bóng thành Nam giành suất lên chơi chuyên nghiệp. Dẫu vậy, những “nếp nhăn” trên trán lãnh đạo bóng đá Nam Định vẫn chưa thể giãn ra do từ mùa giải 2017 trở về trước, tập thể này vẫn trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Và dường như lãnh đạo đội bóng đã rất “thuộc” bài học của Đồng Tháp (và nhiều đội bóng khác) nên chẳng cần đến sự tư vấn của Ban tổ chức, Công ty cổ phần Thể thao Nam Định đã được thành lập chừng một tháng trước khi mùa giải mới khởi tranh. Cũng có nghĩa Nam Định FC đã đủ điều kiện để trở thành đội bóng chuyên nghiệp “chính hiệu”.

Nhìn nhận một cách sòng phẳng thì câu chuyện của Đồng Tháp, Nam Định chỉ là “chiêu trò” để đối phó với điều lệ giải. Không ai tin và sự thật là cũng không hề có cú đột phá nào về tài chính cho mỗi CLB. Chẳng phải thế sao khi mà Nam Định, sau khi thành lập công ty cổ phần nhưng vẫn không ra khỏi trạng thái “ăn đong” hết mùa giải này qua mùa bóng khác? Bởi tất cả chỉ là “tiền trên văn bản”, “vốn điều lệ” của công ty mà thôi.

CLB Long An sẽ chơi ở giải hạng Nhất quốc gia 2024 - 2025 bằng… lực lượng U21 của Hoàng Anh Gia Lai..Trở lại câu chuyện của bóng đá Long An; ba ngày trước, giữa đại diện Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Long An, Công ty Cổ phần bóng đá Long An và đại diện CLB Hoàng Anh Gia Lai đã có một cuộc họp nhằm giải cứu đội bóng. Phương án đưa ra là CLB Long An sẽ chơi ở giải hạng Nhất quốc gia 2024 - 2025 bằng… lực lượng U21 của Hoàng Anh Gia Lai. Khúc mắc duy nhất là thời gian “bảo trợ” - phía HAGL chỉ muốn sự hợp tác, hỗ trợ này kéo dài một mùa bóng; còn Long An thì muốn kéo dài hợp đồng tới tận ba mùa giải. Theo nhận định của các chuyên gia, khúc mắc này sẽ nhanh chóng được tháo gỡ và việc Long An FC có mặt ở giải hạng Nhất 2024 - 2025 chỉ là vấn đề thời gian.

Nhưng điều đáng nói là mô hình “hồn Trương Ba - da hàng thịt” này (ở đây là “hồn HAGL, xác Long An”) luôn tiềm ẩn những nguy cơ, biến số khôn lường. Diễn biến sân cỏ quốc nội nhiều năm qua đã chứng minh: Các pha “lột xác” của một tập thể, nếu không phải do sự chuyển biến về “chất” thì “án tử” luôn treo lơ lửng trước mặt. Điển hình như chính Long An FC, khi những ràng buộc với lãnh đạo CLB HAGL hết hạn, chẳng biết họ có thể “mượn” được một đội U21 nào khác hay không?

Nói cách khác, chuyện một số đội bóng được trục vớt trước thềm mùa giải mới chỉ là một chiêu thức “lách luật”, mang tính chất “đẽo chân cho vừa giày” sao cho không  phạm vào tiêu chí mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đặt ra!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận