Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đang đứng đầu trên bảng xếp hạng bóng chuyền nữ thế giới. Đó là sự kiện đáng nhớ với bóng chuyền Việt Nam.
Cô gái người Bình Dương, sau 13 năm theo nghiệp thể thao, hiện là gương mặt xuất ngoại thành công nhất trong lịch sử bóng chuyền Việt Nam.
Thanh Thúy lên đội một CLB Bình Điền Long An vào năm 2014, sớm đoạt chức Vô địch quốc gia (VĐQG) ở mùa giải 2017 khi mới tròn 20 tuổi. Năm 2016, Thanh Thúy ra sân cho CLB Bangkok Glass ở lượt về giải Vô địch quốc gia Thái Lan 2016. Tại đây, chủ công cao 1,93m góp công lớn vào chuỗi 7 chiến thắng, cùng chức vô địch Thái Lan. Tiếp tục hành trình xuất ngoại, cuối năm 2017, Thanh Thúy đến CLB Attack Line, cùng đội bóng này cán đích thứ ba tại giải vô địch Đài Bắc Trung Hoa. Những màn trình diễn ấn tượng đưa Thanh Thúy tới Nhật Bản trong mùa giải 2019-2020, khoác áo Denso Airybees và nhận thù lao 200 nghìn USD, tương đương 4,6 tỷ đồng. Từ năm 2021, Thanh Thúy chuyển đến đội bóng danh tiếng khác của Nhật Bản là PFU Bluecats, với bản hợp đồng 3 năm có tổng trị giá 750 nghìn USD (hơn 15 tỷ đồng).
“Khi tập luyện và thi đấu ở nước ngoài chủ yếu em giao tiếp bằng tiếng Anh, cũng có một cô quản lý kiêm phiên dịch. Thời gian đầu, em giao tiếp khó khăn bởi từ ngữ chuyên môn của em chưa nhiều. Em đã cố gắng để cải thiện trình độ tiếng Anh. Thu Hoài, đồng đội cũ của em ở ĐTQG mở lớp tiếng Anh cho các VĐV muốn cải thiện trình độ tiếng. Em có tham gia lớp học của Thu Hoài để tiếng Anh của em tốt hơn” - tuyển thủ có biệt danh 4T, chia sẻ.
Với ĐTQG, trong 4 lần tham dự SEA Games gần nhất, Thanh Thúy cùng đồng đội mang về 3 tấm HCB và 1 HCĐ. Thanh Thúy, với trọng trách thủ quân, đã giúp Đội tuyển nữ Việt Nam vào top 4 giải vô địch châu Á 2023, cũng như top 4 ASIAD 19, bên cạnh thành tích 2 năm liên tiếp vô địch giải Châu lục AVC Challenge Cup.
“Thanh Thúy có sự trưởng thành vượt bậc khi ra nước ngoài thi đấu. Khi Thanh Thúy sang Nhật Bản là ra môi trường lớn, cách làm việc, lối chơi và tính kỷ luật của Thanh Thúy được nâng cao. 3 năm Thanh Thúy thi đấu cho BlueCats mang lại cho Thúy nhiều thứ. Thanh Thúy là tấm gương cho VĐV ở ĐTQG nhìn vào đấy mà phấn đấu” - HLV Nguyễn Tuấn Kiệt, Đội tuyển Bóng chuyền nữ Việt Nam, nhận xét.
Khép lại 3 năm ở Nhật Bản, hành trình du đấu của Thanh Thúy được tiếp nối với điểm đến mới mang tên Kuzeyboru Spor, CLB thuộc top 5 giải Vô địch bóng chuyền Thổ Nhĩ Kỳ. Trước mắt, Thúy nhận mức lương trong 10 tháng khoảng 300 nghìn USD (gần 7 tỷ đồng): “Em cảm thấy vui vì đây là cơ hội cho em được thi đấu với các ngôi sao ở châu Âu” - Thanh Thúy giãi bày.
Không chỉ góp mặt ở giải VĐQG Thổ Nhĩ Kỳ, thủ quân ĐTVN còn tranh tài ở Giải Vô địch các CLB nữ châu Âu 2024. Vậy, hướng đi nào cho cầu thủ bóng chuyền nữ Việt Nam có cơ hội ra nước ngoài thi đấu? Cách làm truyền thống của các đội là kết nối với người môi giới để tìm cơ hội cho cầu thủ ra nước ngoài thi đấu. Tuy nhiên, một hướng khác cho thấy hiệu quả rõ rệt hơn, đó là ký kết hợp tác giữa CLB của Việt Nam và CLB quốc tế. Đội nữ Bình Điền Long An là đội đầu tiên đi theo mô hình này và Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Trần Thị Thanh Thúy là 2 VĐV chất lượng. CLB Binh chủng Thông tin cũng đang gắn kết với đội Supreme Chonburi -E.Tech. Vì thế, các tay đập Đoàn Thị Lâm Oanh, Hoàng Thị Kiều Trinh đã được trao đổi sang Thái Lan thi đấu.
“Em tự nhủ bản thân phải tin vào chính mình, không bỏ qua cơ hội. Mình cứ cố gắng, cố gắng hết sức” - chia sẻ của Trần Thị Thanh Thúy là thông điệp mạnh mẽ cho các gương mặt tài năng khác của bóng chuyền Việt Nam. Con đường xuất ngoại của các VĐV bóng chuyền khác đang rộng mở, chúng ta sẽ chờ đợi những cầu thủ tiếp theo được xuất ngoại thi đấu, từ đó tạo nhân sự chất lượng cho ĐTQG./.