Sự kiện Lâm “tây” đánh tiếng muốn rời Bình Định FC để thi đấu ở “sân chơi hạng hai” trong màu áo CLB Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh đã gợi lại một vấn đề “mới mà cũ” ở làng bóng quốc nội: Cầu thủ V.League đầu quân cho giải đấu thấp hơn.
Hãy nhắc lại câu chuyện của tiền đạo một thời vang bóng Nguyễn Anh Đức. Trong 13 năm khoác áo Bình Dương, chân sút này giành tới 4 chức vô địch V.League, 4 Siêu Cúp và 2 Cúp Quốc gia. Anh Đức cũng để lại dấu ấn đậm nét trong chức vô địch AFF Suzuki Cup 2018 của đội tuyển Quốc gia dưới thời HLV Park Hang Seo. Tuy nhiên, 3 năm trước, dường như ý thức được thời của mình đã hết, Anh Đức ghi danh theo học khóa huấn luyện bằng A do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức và một thời gian sau, bất ngờ đầu quân cho CLB hạng Nhất Long An.
Hành trình “lạc trôi” của Anh Đức thời điểm ấy được các chuyên gia nhận định là đúng đắn và khôn ngoan bởi giải hạng Nhất quốc gia không quá khốc liệt về chuyên môn nên rất phù hợp cho những ai đã ở bên kia sự nghiệp. Đó là giải pháp “nhất cử lưỡng tiện” đối với tiền đạo đã ở tuổi 36 (Đức sinh năm 1985) khi anh vừa có thu nhập, lại có “đất diễn”. Đừng quên là chỉ một năm trước, tại V.League 2020, trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai, Nguyễn Anh Đức chỉ được ra sân vẻn vẹn 190 phút/9 trận và không ghi nổi, dẫu chỉ một bàn thắng.
Ở một diễn biến khác, hơn một thập kỷ trước, lúc đang ở đỉnh cao nhất của sự nghiệp, thủ thành xứ Nghệ - Dương Hồng Sơn đã gây sốc với khán giả cả nước khi rời tập thể đang chơi ở V.League là Sông Lam Nghệ An để đi theo tiếng gọi của giải hạng Nhất: Đầu quân cho Hà Nội T&T. Thời điểm ấy, Sơn Nghệ là một trong những kẻ “gác đền” nổi tiếng và được không ít đội bóng tầm cỡ chèo kéo song Dương Hồng Sơn vẫn lựa chọn tập thể được mệnh danh là “gã nhà giàu mới nổi” để trao gửi thân phận. Đổi lại, anh bỏ túi khoản lót tay 1,5 tỷ cùng lương tháng vài chục triệu - mức chuyển nhượng có thể xem là kỷ lục ở thời điểm ấy.
Không khó để nhận thấy, lộ trình của Nguyễn Anh Đức và Dương Hồng Sơn đều biểu thị cho toan tính của những kẻ biết “nhìn xa trông rộng”. Họ đều thấy ở sân chơi này các yếu tố phù hợp với bản thân, nhu cầu mà V.League - dẫu hơn hẳn về mặt danh tiếng nhưng không thể đem lại.
Trở lại chủ đề mà chúng tôi đề cập. Cũng như Sơn “Nghệ”, Lâm “tây” vẫn đang trong giai đoạn đỉnh cao phong độ nên việc Đặng Văn Lâm đầu quân cho Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh (nếu mọi chuyện thông dòng bến giọt) cũng hoàn toàn xuất phát từ nguyên nhân… “làm kinh tế”. Theo một số tin đồn, “đội bóng nhà giàu” này (từ mùa giải 2024 - 2025 sẽ đổi tên là CLB Thanh niên TP.HCM) đã chồng lên bàn đàm phán số tiền hơn 20 tỉ đồng (có thể là tới 27 tỉ đồng) để đổi lấy chữ ký của thủ môn Việt kiều Nga.
Cũng như Dương Hồng Sơn, Đặng Văn Lâm chấp nhận lùi một bước về chuyên môn để có ba bước tiến về… con số trong tài khoản. Khúc mắc lớn nhất giữa hai bên lúc này là ràng buộc giữa thủ thành họ Đặng với đội bóng chủ quản vẫn còn hiệu lực đến tận 30/11/2025 - đây cũng là lý do khiến kinh phí phá hợp đồng của anh đang ở mức… cao ngất ngưởng. Theo nhiều nguồn tin, cầu thủ vừa giành danh hiệu “Quả bóng vàng Việt Nam” là Nguyễn Hoàng Đức cũng đang nhấp nhứ đi theo tiếng gọi của CLB Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh.
Không còn nghi ngờ gì nữa, giải hạng Nhất quốc gia đã và đang là sự lựa chọn hoàn hảo cho những cầu thủ đeo đuổi mục đích làm giàu!