Những cuộc tháo chạy ở V. League?

Một chuyển động ngỡ như đùa đang diễn ra nơi hậu trường CLB bóng đá chuyên nghiệp Bình Định - đội vừa cán đích mùa bóng V.League 2023 - 2024 với vị trí Á quân.

 

Tính đến thời điểm này đã có tới 16 cầu thủ (9 người thường xuyên ra sân trong đội hình đá chính) nói lời chia tay đội bóng.

Lần giở lịch sử V.League có thể khẳng định, sân chơi cao nhất làng cầu quốc nội đã có vài lần chứng kiến những cuộc tháo chạy ồ ạt. Điển hình là mùa bóng 2007, lứa cầu thủ trẻ của Thanh Hóa dưới sự chỉ đạo của HLV Trần Văn Phúc đã tạo nên một cơn địa chấn thực sự khi thi đấu rất kiên cường, thậm chí còn cho không ít “đại gia” nếm trái đắng. “Hiện tượng Thanh Hóa” năm ấy được chính vị tướng già họ Trần giải mã: Với một đội bóng nghèo thì tinh thần quả cảm của “những người đàn ông đá bóng” là chìa khóa để mở ra cánh cửa trụ hạng trước vài vòng đấu.

Song niềm vui ngắn chẳng tày gang. Ngay sau khi tấm màn nhung của V.League 2007 khép lại. Trước sự chèo kéo của không ít CLB “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, đội bóng xứ Thanh buộc phải cay đắng nhìn các trụ cột tháo chạy. Kẻ ra Bắc, người vào Nam đều có chung tâm tư: Tìm đến những bến đỗ mới mà đi cùng là những bản hợp đồng “tiền tươi thóc thật” kếch sù. Ai cũng nói, đời cầu thủ quá ngắn, họ phải lo cho tương lai! Không thể vì tình yêu quê hương mà quên đi nỗi lo “cơm áo gạo tiền”…

Đáng nói hơn, đấy là thời kỳ làng bóng nước nhà phá giá cầu thủ trên quy mô lớn. Những bản hợp đồng tiền tỉ đua nhau xuất hiện như nấm sau mưa khiến một loạt đội bóng “con nhà nghèo” như: Nam Định, SLNA, Đồng Tháp, Khánh Hòa,… đành bất lực trước bài toán “chảy máu cầu thủ”.

Trở lại câu chuyện bóng đá nơi đất Võ. Dẫu HLV Bùi Đoàn Quang Huy ra sức trấn an người hâm mộ, rằng: “Đương kim Á quân đủ chiều sâu lực lượng để cạnh tranh sòng phẳng ở mùa bóng 2024-2025”; “khoảng cách giữa cầu thủ đá chính và cầu thủ dự bị chẳng chênh nhau là mấy” - thì “người Bình Định” vẫn không thể không ngậm ngùi trước thực tế: Đội nhà không đủ tiềm lực kinh tế để giữ chân cầu thủ. Đáng nói hơn, với việc tháo chạy cùng lúc của 9 cầu thủ đá chính, nhiều khán giả bi quan đã nghĩ tới một kết thúc buồn cho Bình Định FC ở V.League 2024-2025 chứ đừng mơ tới chuyện bảo vệ được tấm Huy chương Bạc hay nằm trong “top nọ”, “top kia”.

Hiện có tới 16 cầu thủ (9 người thường xuyên ra sân trong đội hình đá chính) nói lời chia tay đội bóng Bình Định.

Giải bóng đá chuyên nghiệp Vô địch Quốc gia còn thú vị ở chỗ, các cuộc đào tẩu ồ ạt không chỉ xảy ra với “giới quần đùi áo số” (khi đội nhà lâm vào cảnh “áo cơm ghì sát đất”) mà ngay cả những ông bầu (tức lãnh đạo CLB, trả lương cho cầu thủ) cùng từng đồng loạt “bỏ bóng đá chạy lấy người”. Cuối năm 2011 - đầu năm 2012, làng bóng quốc nội nhất loạt dậy sóng khi lần lượt bầu Tuấn và bầu

Long (Hòa Phát Hà Nội), bầu Thọ (Navibank Sài Gòn), anh em bầu Thụy - bầu Thủy (Xi măng Xuân Thành Sài Gòn) - kẻ trước người sau, nhất loạt nói lời chia tay sân cỏ, bán lại suất chuyên nghiệp của đội nhà. Đây cũng là sự lựa chọn của ông bầu Tiến Anh (Khatoco Khánh Hòa) ở V.League 2013 và bầu Trường (The Vissai Ninh Bình) 2 năm sau đó. Nguyên nhân chính (thậm chí có thể nói là duy nhất) tạo ra hiệu ứng “ông bầu bỏ bóng đá này” thì ai cũng biết. Họ là những doanh nhân, vì những lý do liên quan đến chuyện làm ăn mà rẽ ngang sang làm bóng đá. Tiêu chí tiền đẻ ra tiền luôn là mục tiêu tối thượng đối với họ. Vậy nên, khi họ không còn kiếm lời được từ quả bóng tròn thì hầu hết đều vứt bỏ đội bóng một cách không thương tiếc.

Tóm lại, các cuộc tháo chạy ở sân cỏ Việt có thể khác nhau về thời điểm, đối tượng nhưng đều có mẫu số chung là vấn đề đầu tiên”- cầu thủ nói lời người ra đi vì muốn tìm một bến đỗ mới “ấm hơn”; còn ông bầu thì tìm cho mình những kênh đâu tư khác để… kiếm lời.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận