Nghịch cảnh và chiến lược riêng

Sau hành trình trầm lặng ở Paris 2024, thể thao VN phải chứng minh được quyết tâm cao nhất trong việc triển khai một chiến lược riêng cho đấu trường Olympic.

 

801 huy chương khu vực đổi lấy số 0 tại Thế vận hội 

16 VĐV Việt Nam đã cống hiến những gì tốt nhất hiện tại ở đấu trường lớn Paris 2024. Nhiều người trong số họ để lại hình ảnh đẹp. 2 tay vợt Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát có những chiến thắng ấn tượng ở vòng bảng môn cầu lông. Cua-rơ Nguyễn Thị Thật bền bỉ về đích sau hành trình hơn 150km tại nội dung xe đạp đường trường, trong bối cảnh nhiều tay đua phải bỏ cuộc giữa chừng. Cũng cần nhắc đến tay chèo rowing Phạm Thị Huệ và võ sĩ boxing Hà Thị Linh, những bà mẹ hai con tạo được dấu ấn nhất định nhờ tinh thần thép. Tuy vậy, Olympic không chỉ là hình ảnh đẹp mà còn là vinh quang trên bục huy chương - điều mà Đoàn Thể thao (TTVN) Việt Nam đã không làm được.

Tôi mất hơn 1 tháng để điều trị chấn thương đầu gối. Điều trị xong thời gian còn lại rất gấp, có những buổi tập vẫn rất là đau”- niềm hy vọng huy chương Trịnh Văn Vinh chia sẻ.

Trưởng đoàn Đặng Hà Việt  lý giải: “Thành tích Olympic đánh giá được nền khoa học tiên tiến, khả năng đầu tư, sự quan tâm của các nước với từng môn thể thao”

Chia sẻ của Trịnh Văn Vinh và Trưởng đoàn Đặng Hà Việt đã phần nào lý giải về việc ra về tay trắng của Đoàn TTVN tại Olympic 2024. Thông số đoạt HCĐ hạng 61kg nam của môn cử tạ nằm trong khả năng của Trịnh Văn Vinh, nếu như đô cử 29 tuổi này không phải nén đau để thi đấu. Đường tới Olympic đầy chông gai của Trịnh Văn Vinh cho thấy, quá trình chuẩn bị của cả Đoàn TTVN thiếu thốn cả về khoa học tiên tiến, mức độ đầu tư tương xứng cho vinh quang Olympic…

Thất bại tại Olympic 2024 là nỗi buồn được báo trước. 2 kỳ thế vận hội liên tiếp, từ 2020 - 2024, trắng tay, dù trong khoảng thời gian này thể thao Việt Nam thống trị tuyệt đối ở đấu trường Đông Nam Á.

Chúng ta vẫn nặng về SEA Games. Ngay cả khi Hoàng Xuân Vinh giành HCV bắn súng ở Rio 2016 vẫn có một số người của ngành thể thao nói đây là sự may mắn. Điều này cho thấy tư tưởng, thôi cứ chắc chắn ở SEA Games, Đông Nam Á đừng để thua. Tuy vẫn nói là nên đầu tư Olympic, nhưng chiến lược bài bản, rõ ràng, chấp nhận bỏ một số nội dung của SEA Games để hướng tới Olympic với những hạt giống vàng chưa được đề cao” - BLV Quang Huy nêu quan điểm.

2 kỳ SEA Games liên tiếp, thể thao Việt Nam giành được 801 huy chương, nhưng sự vô đối lên tới gần 1.000 huy chương khu vực cũng không quy đổi được một tấm huy chương Olympic trong 2 kỳ gần nhất.

ASIAD năm ngoái, chúng ta thua 3 HCV và xếp sau 5 nước Đông Nam Á, ở Olympic này, chúng ta không có huy chương nào và thua 5 đoàn thuộc Đông Nam Á, vẫn xếp thứ 6.

Các VĐV Việt Nam đã nỗ lực hết mình tại Olympic.Paris 2024.

Đầu tư đặc biệt cho những “hạt giống vàng”

5 đoàn thể thao Đông Nam Á có huy chương, trong đó vui nhất là Philippines khi sở hữu Carlos Yulo, ngôi sao TDDC đã giành được 2 tấm HCV tại Olympic 2024. Chàng trai cao 1,50m có sự nghiệp vĩ đại nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, còn thể thao Philippines nhận quả ngọt từ một chiến lược đầu tư mũi nhọn chuẩn mực. Theo nhà báo Đặng Việt Cường, mô hình mang tên Carlos Yulo là gợi mở rất thực tế: “Chúng ta có thể học tập mô hình và quy trình, cách thức đầu tư bài bản, dài hạn tại môi trường hội đủ các yếu tố cần thiết để tiếp cận được Olympic. Ví dụ Carlos Yulo được một thầy một trò tập huấn 7 năm ở Nhật Bản, với chuyên gia hàng đầu thế giới, tại quốc gia hàng đầu thế giới về TDDC. Những VĐV như Ánh Nguyệt bắn cung, hay Thu Vinh bắn súng cũng có thể đến Hàn Quốc. Vừa rồi Hàn Quốc có 5 HCV bắn cung, bắn súng cũng đột phá khi lần đầu tiên giành 3 HCV. Có nhiều cách thức gợi mở từ mô hình của Yulo, chúng ta phải bắt tay vào làm ngay từ bây giờ”.

Chia tay Olympic 2024, Trưởng đoàn, Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt chia sẻ, thể thao Việt Nam chưa giành được huy chương không phải là lỗi ở các vận động viên, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận thành tích ở ASIAD, Olympic thiếu bền vững, thế nên những nhà quản lý, hoạch định chính sách thể thao phải tìm hướng đi phù hợp cho thể thao nước nhà.

 “Giải này thành tích của em đều vượt bậc, nhưng vẫn chưa đủ. Em sẽ tiếp tục nỗ lực để kỳ Olympic tiếp theo sẽ có mặt và tiếp tục chiến đấu, mong là có thể kéo cao lá cờ Việt Nam tại Thế Vận hội” - xạ thủ Trịnh Thu Vinh bày tỏ.

Các VĐV đang và sắp được nhìn nhận là những hạt giống vàng Olympic, họ chưa bao giờ thiếu quyết tâm vượt nắng thắng mưa trong tập luyện và thi đấu. Điều đó cần thiết, song vẫn chưa đủ. Để thoát khỏi nghịch cảnh “vô đối tại SEA Games nhưng số 0 ở Thế vận hội”, thể thao nước ta cần vạch ra chiến lược riêng cho Olympic.

Ở một nước gần 100 triệu dân, có nhiều tiềm năng thể thao mà 2 kỳ Olympic liên tiếp chỉ có khoảng mười mấy VĐV giành quyền dự tranh, và không giành nổi tấm huy chương nào. Đây là vấn đề vượt tầm của thể thao, mong là các nhà quản lý, các tổ chức, cả người dân quan tâm ủng hộ để có chiến lược riêng cho Olympic”. Nhà báo Đặng Việt Cường

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận