CLB Bóng đá Thanh Hóa dính… 'nợ xấu'

Ở V.League, chuyện một đội bóng chuyên nghiệp nợ lương, thậm chí là 'tự xóa sổ' vì không có tiền trả lương cho cẩu thủ không phải là hiếm.

 

Song những diễn biến xung quanh câu chuyện cầu thủ CLB Thanh Hóa tố đội nhà nợ lương và đặc biệt là cách đội bóng xứ Thanh xử lý “nợ xấu” vẫn để lại nhiều điều đáng để suy nghĩ.

Theo thừa nhận của ông Cao Hoàng Đức, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng đoàn CLB Thanh Hóa, số ngân khoản mà đội bóng bên bờ sông Mã hiện chưa thanh toán cho cầu thủ chừng khoảng hơn 10 tỉ đồng. Về phía cầu thủ, số tiền nợ đọng trong hai mùa giải gần đây lên tới gần 17 tỉ đồng. Đáng nói hơn, phương thức cầu thủ Thanh Hóa kích nổ “quả bom tiền lương” này cũng rất… dị! Họ chọn ngày 5/8/2024 để đồng loạt “post bài” trên… facebook cá nhân; “file đính kèm” là văn bản khiếu nại gửi lên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Số tiền CLB Thanh Hóa nợ cầu thủ chỉ là “muỗi” so với con số 90 tỉ đồng (bao gồm: lương, thưởng, “lót tay”… dồn ứ từ vài ba mùa giải) mà đội bóng đất Mỏ Quảng Ninh thiếu nợ cầu thủ cách đây ba mùa bóng. Đáng nói hơn, nếu như cầu thủ Thanh Hóa sử dụng diễn đàn mạng để tố cáo thì năm đó, cầu thủ Quảng Ninh đã chọn thời điểm trước vòng 9 V.League 2021 để cùng hô hào đình công nếu lãnh đội không có câu trả lời sòng phẳng, rõ ràng về thời điểm “nổ tài khoản”.

 Bệnh thiếu tiền vẫn luôn được xem là căn nguyên khiến nhiều CLB lâm vào cảnh “dở sống dở chết”. 10 năm trước, một buổi tập của đội bóng An Giang đã suýt phải hủy bỏ khi 3 ngoại binh: đội trưởng Đinh Hoàng Max, tiền đạo Felix và trung vệ Vincent nhất quyết… ở lì trong phòng do đội bóng này chưa thanh toán hết các khoản nợ đọng. Còn trước đó 1 năm, hậu trường đội bóng The Vissai Ninh Bình (đã giải thể) cũng chứng kiến một diễn biến ngỡ như đùa khi các cầu thủ đất cố đô Hoa Lư cùng nhau ký vào một lá đơn, yêu cầu lãnh đạo đội bóng thanh toán sòng phẳng tiền lương 3 tháng gần nhất.

Trong nỗ lực “thoát nợ”, các CLB chuyên nghiệp ở ta đã nảy ra vô số giải pháp “chẳng giống ai”. Mùa giải 2021, trước thái độ cứng rắn của cầu thủ, lãnh đạo CLB Quảng Ninh đã phải “tạm ứng” tiền thưởng từ ngân sách tỉnh để “giải quyết nóng” vài tháng tiền lương cùng lời hứa: Đang thúc nhà tài trợ giải ngân như đã cam kết. Một số đội bóng thì cử đại diện đứng ra thương lượng, kêu gọi cầu thủ “thông cảm với khó khăn của đội” và cứ yên trí rằng “sớm muộn thì tiền cũng sẽ về”!

Trở lại câu chuyện đề cập ở trên, một thực tế rất dễ nhận thấy là chuyển động nơi hậu trường đội bóng xứ Thanh cũng không đi ra khỏi “kịch bản” chung. Trao đổi với báo giới, ông Cao Hoàng Đức giãi bày, đại ý: Suốt 4 năm nay đã tiêu tốn rất nhiều tiền cho sân cỏ. Cầu thủ hãy “chia sẻ với khó khăn chung của đội nhà”. Ông Đức cũng kêu gọi lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa “ghé vai” và “giúp đỡ” CLB.

CLB Bóng đá Thanh Hóa đang nợ lương cầu thủ.

Nói cách khác, trong cơn bĩ cực, người ta đã nghĩ ra không ít “chiêu trò” nhưng tất cả đều chỉ giải quyết được khó khăn bề mặt. Ai cũng biết, việc trấn an cầu thủ, thậm chí là thanh toán tạm thời vài tháng lương chỉ là giải pháp tình thế, cốt sao tạm yên lòng quân  còn những khó khăn, bế tắc về kinh tế có giải quyết dứt điểm được hay không thì đành… phó mặc cho số phận.

Diễn biến sân cỏ nước nhà nhiều năm qua đã chứng minh, khi một tập thể không có sự đảm bảo về ngân khoản cũng đồng nghĩa án tử luôn treo lơ lửng trước mặt. Vì lẽ đó, sẽ không quá lời khi nói: Với bóng đá Thanh Hóa thời điểm hiện tại, nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan đang “vừa tập (hoặc vừa chỉ đạo) vừa run” vì chẳng biết “quả bom nổ chậm” mang tên nợ lương bao giờ mới được tháo ngòi.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận