Theo giải thích của ông Cao Hoàng Đức - Tổng Giám đốc CLB Thanh Hóa thì ở mùa bóng 2024-2025, đội bóng bên bờ sông Mã phải “xẻ thân” trên rất nhiều mặt trận: Siêu cúp quốc gia, V-League, Cúp quốc gia, Cúp C1 Đông Nam Á. “Nếu theo đuổi cả cúp C2 châu Á thì cầu thủ sẽ quá tải vì lịch thi đấu dày đặc. Vì vậy, Ban lãnh đạo đội bóng đã xin tư vấn từ VFF và quyết định bỏ sân chơi này, dồn sức cho các giải đấu còn lại”. Ngay sau khi thông tin này được “chính thống hóa”, đây đó, trên các diễn đàn đã rộ lên những lời phê phán đội bóng Thanh Hóa “thiếu khát vọng”, chỉ hài lòng với “ao làng” mà không dám bước ra “biển lớn”.
Chuyển động này khiến người hâm mộ không thể không liên tưởng tới một đại diện V.League khác là CLB Viettel ở mùa giải 2021. Năm đó, sau quãng thời gian nghỉ dài vì dịch bệnh Covid-19, giải vô địch quốc gia đã tái khởi động trở lại trong… sự ưu tư của thầy trò huấn luyện viên (HLV) Trương Việt Hoàng (câu lạc bộ Bóng đá Viettel).
Cũng như đội bóng xứ Thanh ở mùa bóng tới, năm đó, trong tư thế quán quân V.League 2020, Viettel FC được lựa chọn tham dự AFC Champions League 2021; đồng nghĩa chỉ trong thời gian hơn năm mươi ngày (từ mùng 4 tháng 3 đến mùng 7 tháng 5), nhà đương kim vô địch sẽ phải thi đấu tới 14 trận (bao gồm các mặt trận: V.League, Cúp Quốc gia, AFC Champions League 2021) - một mật độ thi đấu khiến người ta không thể không… choáng váng!
Đối diện với một lịch thi đấu dày đặc cùng một chiều sâu đội hình có hạn, nên CLB Viettel - dẫu được xem là một trong những tập thể có tiềm lực tài chính khá vững vẫn phải tính toán, cân nhắc. Và cuối cùng, trước hai nhiệm vụ song song: “Bảo vệ ngôi vương” và “nghĩa vụ quốc tế”, chiến lược gia Trương Việt Hoàng đã dành nhiều sự ưu tiên cho… giải đấu trong nước.
Lựa chọn của Viettel năm ấy và quyết định bỏ cúp C2 châu Á của CLB Thanh Hóa hiện tại hoàn toàn tương đồng về tính chất và không khó lý giải. Nhìn vào đặc điểm, tính chất và quan trọng hơn là thực lực, khát vọng của các đội bóng V.League, không khó để nhận thấy: Giải vô địch quốc gia vẫn là đối tượng được ưu tiên hàng đầu. Lịch sử sân chơi chuyên nghiệp nhiều năm qua đã chứng minh, với các đội bóng ở xứ ta, giải đấu châu lục cấp CLB vẫn là “món đồ xa xỉ” đúng nghĩa. Dẫu giải châu lục có thừa sự hấp dẫn ở các khía cạnh: Danh vọng, tiền thưởng…; nhưng để tiến xa (chưa nói tới giành danh hiệu) thì với Viettel, Thanh Hóa đó vẫn là “điệp vụ bất khả thi”, là “mơ giữa ban ngày” do sự chênh lệch rất đáng kể về đẳng cấp, trình độ.
Ngày còn chèo lái đội bóng được mệnh danh là “Chelsea Việt Nam” - B.Bình Dương, cố HLV Lê Thụy Hải từng có phát ngôn “để đời”: Chúng tôi “buộc phải tham dự giải châu lục vì trót đăng quang V.League”! Đáng nói hơn, chẳng phải chính Viettel, Thanh Hóa là những bằng chứng đanh thép cho “tổng kết” của ông Hải “lơ” hơn một thập kỷ trước đó sao!
Tương tự như vậy, tại AFC cúp năm 2018, trước chuyến làm khách ở Gelora Bung Karno (sân nhà của CLB Persija Jakarta), “thuyền trưởng” Nguyễn Đức Thắng của Sông Lam Nghệ An chỉ mang đến “xứ người” vẻn vẹn 16 cầu thủ nội trong tâm thế “đá cho xong để tập trung vào V.League”.
Dẫu chua xót nhưng không thể không nhìn thẳng vào sự thật, với Sông Lam Nghệ An, Viettel và mới đây nhất là CLB Thanh Hóa, giải châu lục vẫn là “nghĩa vụ” phải thực thi chứ chưa thể là đỉnh cao để chinh phục của hầu hết các nhà vô địch sân cỏ quốc nội thời điểm hiện tại./.