Nếu nói rằng Euro 2024 trên đất Đức đưa người hâm mộ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác thì một trong những điểm nhấn đáng chú ý chính là sự kiện đội tuyển bóng đá Gruzia có mặt tại vòng đấu loại trực tiếp.
Cùng với Thụy Sỹ (tập thể đã đè bẹp “ông lớn” Italia tới 2-0 tại vòng 1/8), những gì mà thầy trò HLV Willy Sagnol đã thể hiện (thua Thổ Nhĩ Kỳ 1-3 trong ngày ra quân nhưng liền sau đó đã sốc lại tinh thần khi cầm chân Cộng hòa Czech 1-1, rồi gây sửng sốt với cả làng bóng bằng chiến thắng 2-0 trước một ứng viên vô địch khác, cũng đến từ bán đảo Iberia là Bồ Đào Nha), Gruzia xứng đáng được coi là “lá cờ đầu” của nhóm “nhược tiểu”.
So với 23 tập thể còn lại, bản “CV bóng đá” của Gruzia rất khiêm tốn - họ xếp thứ 74 trên bản đồ túc cầu giáo theo phân cấp của Liên đoàn Bóng đá thế giới. 3 năm trước, trước khi cuộc đua giành vé đến Euro 2024 được bấm nút khởi động, Gruzia còn “tuột dốc không phanh” xuống hạng thứ 96 - tức chỉ “ngang cơ” với… Đội tuyển Việt Nam. Chưa hết, tại vòng đấu loại, tập thể này còn thảm bại trước Tây Ban Nha tới 1-7. Vì lẽ đó, trước những gì Kvaratskhelia, Kakabadze cùng đồng đội đã thể hiện (bất ngờ dành vé tham dự giải, vượt qua Bồ Đào Nha ở vòng đấu bảng để giành vé đi tiếp), giới mộ điệu túc cầu giáo cựu lục địa đã dùng tới cụm từ “phép màu” để giải thích.
Tuy nhiên, nếu dõi theo những chuyển động tại các sân cỏ nước Đức sẽ không khó để tìm lời giải cho bài toán mang tên “hiện tượng Gruzia”. Trước hết là chiến thuật phòng ngự - phản công được áp dụng triệt để. Thậm chí, có thể nói đây gần như là “bài” duy nhất của chiến lược gia Willy Sagnol; bởi như đã nói, dẫu là chạm trán trước bất kỳ đối thủ nào, Gruzia vẫn luôn được xếp ở… chiếu dưới! Sau nữa, quan trọng hơn, khán giả cảm nhận được rất rõ cái gọi là tinh thần, khao khát thi đấu của một tập thể lần đầu tiên được “hít thở” không khí Euro.
Chuyện của “người Gruzia” dễ khiến chúng ta liên tưởng tới những chuyển động ở giải vô địch Quốc gia cách đây gần 2 thập kỷ, khi bóng đá Thanh Hóa lần đầu tiên góp mặt ở giải chuyên nghiệp (mùa bóng 2007), trong tay HLV trưởng CLB Thanh Hóa - ông Trần Văn Phúc - đa phần chỉ là những cầu thủ trẻ vô danh, nhưng vị “tướng già” đã biết nhìn vào điểm yếu, điểm mạnh của học trò để tạo nên một tập thể rất khó bị đánh bại.
Những màn “xả thân” của Huy Thái, Hoàng Đảm, Tiến Thành, Xuân Hợp,… năm ấy đã đặt tiền đề cho cái gọi là “sức mạnh tinh thần”. Chẳng thế mà mà mỗi bận chia sẻ với báo giới, HLV trưởng Trần Văn Phúc không giấu được sự tự hào: Các cháu đã chơi bóng bằng tinh thần quả cảm của những người đàn ông.
Tinh thần quả cảm của những người đàn ông, xét cho cùng, chính là lòng tự ái của những người chưa nhập cuộc đã bị xếp “chiếu dưới”. Vậy nên cứ vào sân là họ thi đấu như chưa bao giờ được đá bóng. Đá cho thiên hạ phải thay đổi cách nhìn, lối nghĩ! Và “thiên hạ” đã thay đổi cách nhìn, lối nghĩ thật. Từ biệt danh “ngựa ô Thanh Hóa” ở V.League 2007 đến “hiện tượng Gruzia” ở Euro 2024 - đấy chẳng phải là sự thừa nhận của tất cả, từ những chuyên gia tới người hâm mộ đó sao!
Không còn nghi ngờ gì nữa, dẫu “đẳng cấp”, “lịch sử” là bệ phóng cho một đội bóng vươn tới đỉnh cao, nhưng “khát vọng” chơi bóng hay “tự ái nghề nghiệp” luôn là sức mạnh tiềm ẩn để một tập thể “thường thường bậc trung”, không được đánh giá cao về lực lượng tạo nên bất ngờ trên sân cỏ./.