Các gương mặt Olympic khẩn trương 'chữa lành

Giành vé tham dự Olympic đã rất gian nan, để có màn trình diễn tốt lại càng không hề đơn giản.

 

Trong quỹ thời gian hơn 1 tháng tới, các gương mặt trọng điểm của thể thao Việt Nam có rất nhiều việc phải làm để đạt phong độ cao nhất.

Tính đến ngày 17/6, thể thao Việt Nam giành 12 tấm vé chính thức tham dự Olympic Paris. Tấm vé mới nhất (ngày 17/6) thuộc về VĐV bắn cung Lê Quốc Phong ở nội dung cá nhân nam.

Trong gần 2 năm qua, những VĐV xuất sắc nhất của thể thao Việt Nam đã được đầu tư, tạo cơ hội tối đa để góp mặt tại các giải đấu  mang tính chất vòng loại, hoặc để “bền bỉ” tích điểm trên bảng xếp hạng “đường tới Paris”. Gọi là “bền bỉ”, bởi nhìn vào cả hành trình ấy, có phần vất vả hơn so với việc tranh tài tại một đấu trường cụ thể cấp khu vực, châu lục, hay thế giới. Điển hình là trường hợp của 2 tay vợt cầu lông Lê Đức Phát và Nguyễn Thùy Linh. Để có được niềm vui vỡ òa mang tên Paris 2024, họ đã phải tham gia hàng chục giải đấu trên khắp thế giới để tích điểm. Xa nhà liên miên, không chỉ bào mòn thể lực, mà còn ảnh hưởng đáng kể đến trạng thái tâm lý. “Thời gian qua, tôi có lịch thi đấu dày đặc ở châu Âu, châu Á. Hiện tại, tôi đang cùng HLV của mình cải thiện về thể chất và giải tỏa tâm lý. Điều quan trọng nhất bây giờ là tôi cần có tinh thần minh mẫn, xả stress để có thể tập trung tập luyện, đạt phong độ tốt khi đến Olympic” - tay vợt 27 tuổi Nguyễn Thùy Linh, bày tỏ.

Một gương mặt trọng điểm khác, tuyển thủ xe đạp Nguyễn Thị Thật cũng vừa trải qua quãng thời gian xa nhà liên miên. Trong đó, hơn 2 tháng qua, cua-rơ số 1 nước ta vừa tích cực hồi phục sau chấn thương, vừa nỗ lực duy trì phong độ thông qua các giải đấu quốc tế. Từ ngày 4-12/6, cô gái 31 tuổi này tham dự giải đấu tại Kazakhstan, trước khi bước vào giáo án tập luyện hướng đến Paris 2024. “Tất cả vì màu cờ sắc áo. Tinh thần ấy thúc đẩy em cố gắng vượt qua mọi khó khăn để cống hiến hết mình cho thể thao Việt Nam. Khi em về Việt Nam sẽ theo giáo án của Ban huấn luyện đội tuyển” - Nguyễn Thị Thật chia sẻ.

Rất khó để cạnh tranh huy chương tại đấu trường Olympic, bởi “thông số” của hầu hết các VĐV Việt Nam đã giành vé mới chỉ tiệm cận các chuẩn Olympic, cho thấy khoảng cách không nhỏ so với những VĐV hàng đầu thế giới. Với Paris 2024, bên cạnh việc trông đợi vào những bất ngờ từ cầu lông, xe đạp, thể thao nước ta kỳ vọng lớn hơn vào bắn súng và cử tạ. Có điều, hai “mũi nhọn” này đang có những mối lo nhất định. Tại giải bắn súng ISSF World Cup 2024, do Liên đoàn Bắn súng thế giới tổ chức tại Đức từ ngày 2 - 7/6, Trịnh Thu Vinh xếp hạng 21 ở nội dung 25m súng ngắn thể thao nữ, còn Lê Thị Mộng Tuyền chỉ có thứ hạng 52 chung cuộc tại nội dung sở trường 10m súng trường hơi nữ.

Trong khi đó tại Hà Nội, đô cử Trịnh Văn Vinh (hạng 61kg nam) đang tích cực trị liệu để hồi phục các vấn đề chấn thương, sau giai đoạn thi đấu căng thẳng tại vòng loại. Mong muốn của Trịnh Văn Vinh là cố gắng đạt 90% thể trạng tốt nhất, trước khi đi tập huấn nước ngoài vào cuối tháng 6: “Chấn thương nặng nhất của em là chấn thương đầu gối, còn bị căng cơ thì không vấn đề gì. Đầu gối của em trước đây bị đau nặng, sau khi tiêm 2 mũi, em thấy đỡ 80 - 90% rồi, thời gian không còn nhiều nên không thể điều trị dứt điểm được. Em có tuổi rồi nên chấn thương lâu khỏi hơn những VĐV trẻ".

VĐV Hoàng Thị Tình đã sở hữu tấm vé tới Olympic 2024.

Tại cuộc làm việc mới đây về công tác chuẩn bị cho Olympic 2024, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương yêu cầu các bộ môn và các đơn vị chức năng báo cáo chi tiết về phong độ, thể lực, các thông số thành tích, cũng như quan tâm hơn nữa đến đời sống tinh thần của các VĐV, xem các VĐV có phải chịu áp lực về tâm lý hay không để có các biện pháp giải toả. “Sự quan tâm này thể hiện qua việc theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng, tập luyện, kể cả vấn đề về chấn thương, về tâm lý, đặc biệt là những chấn thương do cố gắng trong quá trình tham dự vòng loại Olympic, như trường hợp của Trịnh Văn Vinh hay Nguyễn Thị Thật. Các ca chấn thương đang được Cục TDTT quan tâm, chăm sóc và thực hiện các giải pháp y học để VĐV trở lại phong độ tốt nhất” - Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết.

Đô cử Trịnh Văn Vinh (hạng 61kg nam) đang tích cực trị liệu để hồi phục các vấn đề chấn thương

Thể thao Việt Nam vẫn có thể giành thêm suất tham dự Thế vận hội. Với môn judo, hy vọng lớn đặt vào Hoàng Thị Tình, võ sĩ hạng 48kg nữ đang có vị trí an toàn trong nhóm 10 người sẽ được trao suất Olympic Paris. Tuy nhiên, Hoàng Thị Tình vẫn phải cạnh tranh quyết liệt với 2 VĐV ở vị trí kế tiếp trong các giải tính điểm sắp tới.

Ngoài ra, thể thao Việt Nam có thể được nhận “vé mời” ở môn điền kinh, với trường hợp của chân chạy 100m nữ Trần Thị Nhi Yến, và ở môn bơi, với Võ Thị Mỹ Tiên. 2 trường hợp vé mời này đang chờ xác nhận chính thức vào ngày 1/7./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận