Góc nhìn Euro 2024 Nghịch lý 'số lượng' - 'chất lượng'!

Euro 2024 là giải đấu thứ 3 mà 'cựu lục địa' nâng số đội tham dự lên 24.

 

Con số này khi được áp dụng lần đầu (Euro 2016) đã có không ít lời “phàn nàn” khi chất lượng giải đấu giảm sút, số trận đấu kịch tính ở vòng bảng không nhiều; và nó đã một lần nữa được kiểm chứng tại ngày hội bóng đá châu Âu trên các sân cỏ nước Đức năm nay.

Luận về tính hấp dẫn của một giải bóng đá, một chuyên gia nọ đưa ra 3 tiêu chí: (1). Chất lượng các trận đấu, (2). Sự khó lường về đối thủ và kết quả, (3). Sự kết nối chặt chẽ giữa các kết quả và số phận các đội. Theo lý này mà suy, Euro 2024 đã và đang “phạm quy nghiêm trọng”. Điểm rất dễ nhận thấy ở giải đấu năm nay là một tập thể thua tới 2/3 trận, nhưng vẫn có cơ hội giành vé đi tiếp (“vi phạm” tiêu chí 3).

Đơn cử như đội tuyển Ba Lan, nằm chung bảng D với hai “ông kẹ” là Hà Lan và Pháp nên ngay khi có kết quả bốc thăm chia bảng, ban lãnh đạo “đại bàng trắng” đã hướng tới mục tiêu giành… vị trí thứ ba. Diễn biến lượt trận ra quân của tập thể nơi “đường bạch dương sương trắng nắng tràn” đã cho thấy, đây là sách lược rất đúng đắn. Dẫu sớm vượt lên dẫn trước đối thủ từ phút thứ 16 sau pha đánh đầu đẳng cấp của Adam Buksa nhưng các học trò của huấn luyện viên Michał Probierz vẫn phải thúc thủ trước Hà Lan bằng tỉ số 1-2 chung cuộc. Song, với Ba Lan, trận thư hùng với đội tuyển Áo (ngày 21/6/2024) mới mang ý nghĩa “sinh tử”. Do vòng bảng Euro 2024 chỉ loại 8 tập thể (33,3%) nên thất bại chỉ với 1 bàn cách biệt trước “cơn lốc màu da cam” vẫn có thể xem là… thắng lợi của bóng đá Ba Lan. Nói cách khác, cả hai thất bại của Zielinski, Piotrowski, Zalewski cùng đồng đội trước Hà Lan và Pháp (nếu xảy ra) đều không có sự “kết nối chặt chẽ” với tấm vé đi tiếp của đội bóng này.

Đội tuyển Tây Ban Nha (phải) thi đấu sa sút trong trận thua Scotland.

Ở khía cạch khác, xét tiêu chí 1, dẫu Euro 2024 mới đi qua vài lượt trận nhưng người hâm mộ đã phải chứng kiến sự chênh lệch rất lớn về đẳng cấp. Biểu hiện cho yếu tố “phạm quy” này chính là việc chủ nhà Đức dễ dàng đè bẹp Scotland tới 5-1 (bàn thắng của Scotland là do Đức phản lưới nhà). Chính bởi Euro nâng số đội lên 24 mà lần đầu tiên Georgia góp mặt tại ngày hội lớn; và sẽ chẳng ngạc nhiên nếu quốc gia xếp thứ 79 (số liệu năm 2023) trên bản đồ bóng đá thế giới này thua “tan tác” trước Bồ Đào Nha hay Cộng hòa Séc.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Liệu Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) có nhận ra hệ lụy của việc “mở toang cánh cửa” cho phân nửa châu Âu tham dự Euro? Chắc chắn là có! Thậm chí, từ sau Euro 2016 (lần đầu áp dụng phương án 24 đội tuyển) đã có ý kiến đề xuất nên đưa giải đấu này trở về quy mô 16 đội để tăng tính hấp dẫn nhưng các nhà làm giải vẫn phớt lờ bởi lợi nhuận thu về quá lớn. Chỉ tính riêng số lượng vé cho tổng số 51 trận đấu đã lên tới 2,7 triệu tấm (cao gấp rưỡi so với 31 trận nếu chỉ có 16 đội tham dự); cộng với doanh thu từ các hợp đồng phát sóng và tài trợ, UEFA sẽ “bỏ túi” khoảng 2,5 tỉ euro (2,7 tỉ USD). Đây cũng là lý do khiến Liên đoàn Bóng đá thế giới không ngừng “nhấp nhổm” với dự định tăng số đội tham dự Word Cup lên 48.

Đó là chưa kể đến lượt trận cuối của vòng bảng, khi kết quả của nhiều tập thể đã sớm an bài thì 90 phút “thủ tục” nhiều khả năng sẽ “thiếu muối” nghiêm trọng!

Phải chăng vì vậy mà Euro năm nay mới bùng nổ bàn thắng và có nhiều chiến thắng khá dễ dàng. Chỉ tính riêng hai lượt trận đầu tiên đã có tới 10 bận lưới rung lên; số trận đấu kết thúc với tỉ số “thua trắng 3-0” cũng không hề ít: Tây Ban Nha đè bẹp Croatia 3 bàn và đó cũng là tỉ số giữa Romania và Ukraina.

Có lẽ không còn quá sớm để UEFA nghĩ ra giải pháp khả dĩ để dung hòa được hai yếu tố “số lượng đội dự giải” và “sự hấp dẫn của giải đấu”!

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận