Danh hiệu 'Vua phá lưới' - chuyện riêng của chân sút ngoại

Giải chuyên nghiệp lại một lần nữa chứng kiến sự 'thống trị' của các… 'ông Tây' khi mới đây tiền đạo người Brazil 'ẵm' danh hiệu 'Vua phá lưới'.

 

Với 5 bàn thắng vào lưới CLB Thanh Hóa ở vòng 21, tiền đạo ngoại Rafaelson của TX Nam Định đã nâng tổng số pha lập công của mình ở sân chơi cao nhất quốc nội lên con số 26, bỏ xa chân sút đứng thứ hai trong danh sách “dội bom” ở V.League năm nay (Lucão do Break) tới 15 bàn và “ẵm” danh hiệu “Vua phá lưới” cuối mùa.

26 lần Rafaelson khiến lưới đối phương rung lên không chỉ xô đổ kỷ lục mà tiền đạo nội Lê Huỳnh Đức thiết lập năm 1996 khi giải còn mang tên Giải bóng đá Các đội mạnh toàn quốc (25 bàn) mà còn thiết lập cột mốc hiệu suất ghi bàn “khủng khiếp”: 1,23 bàn/trận. Chưa hết, trong cuộc đua tới danh hiệu cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất V.League 2023 - 2024, ngoại trừ Rafaelson đang “chễm chệ” trên ngôi vị số một, 4 vị trí tiếp theo đều thuộc về các ngoại binh, lần lượt là Lucão do Break (Hải Phòng), 11 bàn; Alan Sebastião (Quy Nhơn Bình Định FC), 10 bàn; Rimario Gordon (Đông Á Thanh Hóa), 9 bàn và vị trí thứ 5 với 8 bận “đốt lưới” đối thủ thuộc về hai chân sút: Jeferson Elias của Công an Hà Nội và Hendrio Araujo (TX Nam Định).

Lần giờ lịch sử V.League, hai thập kỷ trở lại đây, chỉ duy nhất một tiền đạo Việt Nam “chính hiệu” dành được danh hiệu cao quý này là Nguyễn Anh Đức của B.Bình Dương với 17 bàn thắng tại V.League 2017. Còn 19/20 mùa bóng còn lại, người hâm mộ đều chứng kiến hình ảnh các tiền đạo “mắt xanh mũi lõ” đứng trên bục cao nhất.

Không khó để lý giải sự chênh lênh đến mức áp đảo giữa hai cán cân ghi bàn: Tây - Việt. So với các đồng nghiệp bản địa, tiền đạo ngoại có sự vượt trội về thể hình, thể lực; thường xuyên chiếm ưu thế trong các pha tranh chấp tay đôi và đa phần trong số họ đều xuất thân từ các quốc gia có nền túc cầu giáo rất phát triển nên sớm định hình kỹ thuật, tư duy bóng đá. Điều đáng nói là thực tế hiển nhiên này vô tình xới lại một “tồn tại kinh niên” của làng bóng nước nhà.

Đó chính là sách lược dụng binh theo phương châm “yếu trâu hơn khỏe bò” của đa số các CLB chuyên nghiệp. Như đã nói, do khoảng cách không thể san lấp về sức bền, độ càn lướt giữa những tiền đạo “Made in Việt Nam” với giới “quần đùi áo số” đến từ bên ngoài biên giới lãnh thổ. Một chân sút ngoại, dẫu “tuổi cao, sức yếu” vẫn “lợi hại” hơn nhiều so với các chân sút “da vàng mũi tẹt”. Điều này giải thích vì sao tại V.League 2021, hai “lão tướng”: Daisuke Matsui, Đỗ Merlo - những người mà nếu so về tuổi đời với các cầu thủ trẻ có thể xếp vào hàng… cha chú vẫn được tin tưởng giao “ấn tiên phong” trên hàng công và đều đặn “khai hỏa”!

Tiền đạo ngoại Rafaelson của TX Nam Định “ẵm” danh hiệu “Vua phá lưới” cuối mùa.

Ở góc độ khác, như chúng ta đã biết, ngày còn “cầm” Đội tuyển Việt Nam, cựu HLV trưởng Park Hang-seo đã nhiều bận đăng đàn, tỏ ý không hài lòng khi cầu thủ Việt (đặc biệt là các tiền đạo trẻ) không có “đất diễn” tại giải chuyên nghiệp. “Thầy Park” còn đưa ra lời kêu gọi, đại ý: HLV, lãnh đạo CLB không nên đặt quá nặng vấn đề thành tích bởi “lợi ích quốc gia là trên hết”. Nhưng với sự chênh lệch đáng kể về năng lực, trình độ như đã nói thì luận điểm của nhà cầm quân người Hàn Quốc đã không thể thuyết phục được các ông bầu, HLV.

Thực tế ấy đưa đến thực trạng là rất nhiều tập thể ở xứ ta đã, đang và tiếp tục “thở bằng phổi ngoại binh”.

Quan trọng hơn, đó không chỉ là “chuyện riêng” của TX Nam Định ở V.League 2023-2024 mà còn là “vấn đề lớn” của giải đấu cao nhất quốc nội. Liên đoàn bóng đá Việt Nam biết, người hâm mộ tỏ tường, thậm chí là chính các cầu thủ cũng “rõ như lòng bàn tay” nhưng chẳng thể làm gì để khắc phục!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận