Câu chuyện của S.Khánh Hòa cũng như vô số đội bóng khác ở xứ ta tái khẳng định một mệnh đề “xưa như diễm”, rằng khi không có sự “chống lưng” từ nhà tài trợ thì bất kỳ tập thể nào cũng có thể “lăn đùng, giãy đành đạch”!
S.Khánh Hòa bại trận đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, song điều đáng nói là màn “lấm lưng trắng bụng” trước đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Sông Lam Nghệ An ở vòng 19 V.League 2023-2024 vừa qua gần như đã đặt “dấu chấm hết” cho những nỗ lực của thầy trò HLV Trần Trọng Bình (bị “đội bóng xứ Nghệ” bỏ xa tới 9 điểm). Có lẽ chưa khi nào “người phố biển”lại thấm thía về sự đắt đỏ của hai chữ “chuyên nghiệp” như lúc này.
2 năm trước, CLB Khánh Hòa giành chiến thắng trước Cần Thơ FC ở giải hạng Nhất quốc gia 2022 để giành quyền lên chơi tại V.League và bằng một “sự thần kỳ”, Khánh Hòa FC đã trụ hạng thành công trong bối cảnh thiếu và yếu toàn diện về cả tài chính lẫn nhân sự. Nhưng may mắn chỉ đến một lần! Mùa giải 2023 khép lại cũng đồng thời mở ra vô vàn khó khăn, thách thức. Nợ đọng lương thưởng chưa được giải quyết rốt ráo, và quan trọng nhất là “lời chia tay” của một loạt nhà tài trợ khiến bài toán tài chính vốn đã bí bách lại càng không có lời giải. Đỉnh điểm của “cái khó” là việc S.Khánh Hòa, do... thiếu tiền nên chỉ có thể đăng ký thi đấu vào phút chót.
Sau tiếng thở phào nhẹ nhõm ấy là chuỗi ngày túng thiếu kéo dài lê thê. Suốt mùa bóng năm nay, gần như vòng đấu nào cũng có cầu thủ gõ cửa phòng Ban lãnh đạo xin thanh toán lương thưởng tồn đọng từ… mấy tháng trước. Bên cạnh đó, những mâu thuẫn nơi băng ghế chỉ đạo càng khiến nội tình S.Khánh Hòa rối như canh hẹ. Tháng 12/2023, HLV Võ Đình Tân nộp đơn từ chức; trợ lý Trần Thiện Hảo ban đầu được lựa chọn nhưng rồi người chính thức “cầm sa bàn” là ông Trần Trọng Bình. Ai cũng biết, “tướng Bình” chỉ là giải pháp lấp chỗ trống do đội nhà không tìm được gương mặt nào khả dĩ. Mà nói cho công bằng thì chả nhà cầm quân nào “dại dột” tìm đến “phố Biển” khi mà S.Khánh Hòa luôn chôn chân ở đáy bảng xếp hạng.
Việc một câu lạc bộ bóng đá ở xứ ta “thoi thóp” vì “bệnh thiếu tiền” đã không còn quá xa lạ. Dẫu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” thì vẫn cần nhắc lại câu chuyện của CLB Gia Định ở giải hạng Nhì năm 2020. Dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân người Brazil Flavio Cruz, Gia Định FC đã có 1 năm quật khởi và giành vé play-off. Chưa dừng lại ở đó, trong 90 phút tranh chấp suất chơi tại giải hạng Nhất 2021 với đội Công an nhân dân, CLB Gia Định tiếp tục gây bất ngờ khi vượt qua đối thủ bằng tỷ số tối thiểu.
Ấy thế nhưng, theo cơ chế của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, nếu giải hạng Nhì hoàn toàn là sân chơi nghiệp dư, không bị bó buộc về các điều kiện kinh tế - tài chính thì giải hạng Nhất lại là các đội chuyên nghiệp cùng không ít “tiêu chí cứng” về nguồn vốn đảm bảo. Đứng trước nguy cơ “tan đàn xẻ nghé”, Gia Định FC đã khiến làng cầu quốc nội “dậy sóng” với đề xuất… không thăng hạng! Trong công văn xin ở lại hạng Nhì năm ấy, Chủ tịch Huỳnh Hoàng Trường cho biết: Đội nhà chưa đáp ứng được điều kiện về sân bãi và chưa có các tuyến đào tạo trẻ tham dự các giải Vô địch quốc gia theo nội dung chương V, từ điều 24 - 28 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp.
Nhìn nhận một cách khách quan thì chuyện Gia Định FC xin tình nguyện “lưu ban”, dẫu cay đắng nhưng lại được không ít khán giả đồng tình, coi đó là giải pháp đúng đắn - khi không đủ tiềm lực chơi chuyên nghiệp thì đừng gắng gượng thăng hạng theo kiểu “cố đấm ăn xôi” - cố duy trì một đội bóng luôn thường trực nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền.
Câu chuyện của S.Khánh Hòa cũng như vô số đội bóng khác (cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư) ở xứ ta, nó tái khẳng định một mệnh đề “xưa như diễm”, rằng khi không có sự “chống lưng” từ nhà tài trợ thì bất kỳ tập thể nào cũng có thể “lăn đùng, giãy đành đạch”!
Rõ ràng, phía sau hào quang giải chuyên nghiệp là vô vàn thách thức mà người ta không thể áp dụng “chiêu” vừa đá vừa… ngóng Mạnh Thường Quân!