Cụ thể hơn, chân sút gốc Nghệ An được xếp đá hộ công trong cuộc đụng độ Fagiano Okayama tại vòng 2 J-League Cup.
Trong tầm nhìn “xuất khẩu” cầu thủ, bầu Đức và nhiều quan chức bóng đá khác cũng như đa số người hâm mộ Việt Nam đều chưa nguôi hy vọng vào một ngày những “sản phẩm” mang thương hiệu Việt Nam tỏa sáng trên sân cỏ châu lục và thế giới. Song, từ hy vọng đến thực tại vẫn luôn rất phũ phàng. Lần lượt những “ngôi sao sáng” của lò đào tạo danh giá nhất quốc nội Hoàng Anh Gia Lai JMG như Tuấn Anh, Xuân Trường và chính Công Phượng trong quá khứ thường xuyên bị đày ải trên băng ghế dự bị, hết ngày nay qua ngày khác, tháng này qua tháng khác.
Vì lẽ đó, 7 năm trước (2017), hàng triệu cặp mắt của người hâm mộ nước nhà đều háo hức đổ dồn về xứ Kim chi, nơi mà Xuân Trường - cầu thủ người Việt duy nhất đang gửi gắm giấc mộng “quần đùi áo số” đã có một hiệp đấu chính thức trong màu áo CLB Gangwon tại Cúp quốc gia. Và như đã đề cập ở đầu bài viết, tận 7 năm sau, lại mới có một “hậu duệ con rồng cháu tiên” khác được Ban huấn luyện CLB Yokohama sử dụng trong 67 phút thi đấu chính thức; và quan trọng hơn, sự hiện diện của Công Phượng trên sân cỏ hoàn toàn không phải do những ràng buộc, điều khoản đi kèm.
Cái gọi là “điều khoản đi kèm”, không gì khác chính là những bí ẩn của bản hợp đồng mà bầu Đức - khi “gả bán” Xuân Trường đã khéo léo “gài” CLB Gangwon. Đại ý là đội bóng chủ quản phải đảm bảo cho Xuân Trường được ra sân để duy trì phong độ. Thời lượng thi đấu cũng được ấn định “từ 30 - 40% tổng số trận trong mùa giải”. Vì giao kèo ấy nên CLB Gangwon đã buộc phải tung Xuân Trường vào sân; và họ đã rất khôn khéo khi sử dụng tiền vệ này ở Cúp Quốc gia - một “sân chơi hạng hai” hoàn toàn tương đồng về đẳng cấp với Cúp Quốc gia của Việt Nam. Không ít tín đồ túc cầu giáo nước nhà, do không tỏ tường về chi tiết này nên “bé cái nhầm” - cứ nghĩ rằng sân cỏ Hàn Quốc thực sự cần đến Xuân Trường.
Nói cách khác, 45 phút ra sân ấy của Trường thực ra chỉ là “đá khoán”, “thi đấu theo ràng buộc hợp đồng” chứ năng lực của anh chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn của một trong những đội bóng hàng đầu nơi xứ người. Chẳng thế mà năm ấy, K. League Classic 2017 - sân chơi “sang” nhất Hàn Quốc - đi qua 11 vòng đấu mà cái tên Xuân Trường vẫn “bóng chim tăm cá”.
Trở lại câu chuyện Công Phượng trong màu áo CLB Yokohama. Như chúng ta đã biết, tiền đạo 28 tuổi gia nhập đội bóng này theo dạng chuyển nhượng tự do đầu năm trước và chỉ có vẻn vẹn một lần được hít thở bầu không khí bóng đá Nhật Bản trong một trận đấu thuộc khuôn khổ cúp Hoàng đế Nhật Bản từ băng ghế dự vị. Còn trên mặt trận J-League 1 (sân chơi cao nhất nước Nhật), Công Phượng không nằm trong danh sách đăng ký bất cứ trận đấu nào.
Không may cho Yokohama FC khi khép lại mùa giải 2023, tập thể này xếp chót bảng và phải xuống chơi ở giải hạng Nhì (J-League 2) năm 2024. Ấy thế nhưng, trong cái rủi (của CLB Yokohama) lại có cái may (cho Công Phượng), khi những ngôi sao của đội bóng chủ quản tìm bến đỗ mới (sau khi đội nhà rớt hạng) đồng nghĩa cơ hội đã được mở ra với tiền đạo V.League (như đã nói).
Cũng cần nói thêm rằng, ở J-League 2, Yokohama FC đang xếp thứ 3 trên bảng xếp hạng và trải qua 11 vòng đấu nhưng Nguyễn Công Phượng vẫn “lặn không sủi tăm”. Trận cầu mà Ban lãnh đạo CLB tin tưởng, trao cho Phượng suất đá chính chỉ thuộc khuôn khổ Cúp Liên đoàn Nhật Bản.
Tóm lại, từ việc Xuân Trường được đá chính ở cúp Quốc gia Hàn Quốc đến 68 phút trải nghiệm của Công Phượng tại cúp Liên đoàn Nhật Bản, dẫu có lạc quan đến mức nào chăng nữa thì túc cầu giáo nước nhà vẫn phải nhìn thẳng vào sự thật: Ở những giải đầu hàng đầu châu lục, đây chưa phải thời điểm của những cầu thủ “Made in Việt Nam”.