Liên đoàn chỉ 'bật mí' vào phút chót!

Câu chuyện tìm HLV đang có dấu hiệu'tăng nhiệt' khi mới đây, nhiều nhà cầm quân đủ quốc tịch đánh tiếng muốn được thử sức ở vị trí chèo lái đội tuyển VN.

 

Tuy nhiên, đổi lại chỉ là thái độ dò xét và có phần lãnh đạm từ phía tổ chức điều hành túc cầu giáo cao nhất nước nhà: Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).

Trước hết, cần phải thấy rằng, trong lịch sử, việc tìm người dẫn dắt đội tuyển quốc gia luôn là bài toán không dễ cho lời giải. Không ít ông thầy ngoại có đủ cả năng lực lẫn tiếng tăm nhưng không thể mang lại thành công cho sân cỏ quốc nội mà nguyên nhân chủ đạo, không gì khác ngoài sự “lệch pha” giữa triết lý bóng đá của HLV trưởng với đội tuyển (thường được các lãnh đạo VFF giải thích là “không hợp”). Vì lẽ đó, kể từ khi chứng kiến mối lương duyên “nửa đường đứt gánh” với cựu HLV trưởng Troussier, người hâm mộ cả nước tỏ ra rất sốt ruột” - liên tục giục giã Liên đoàn sớm tìm người tiếp quản chiếc ghế “nóng nhất làng”. Tuy nhiên, VFF vẫn tỏ ra khá đủng đỉnh.

Trao đổi với báo giới, một lãnh đạo VFF cho biết, đại ý: Còn hai tháng nữa Đội tuyển Quốc gia mới bước vào đợt tập trung mới (hai trận đấu còn lại của “lữ đoàn đỏ” chỉ mang tính thủ tục do đội tuyển của chúng ta gần như đã hết cơ hội đi tiếp) nên… chẳng việc gì phải vội vã. “Các thông tin về đàm phán, mức lương, đãi ngộ rất nhạy cảm nên thông tin chính thức chỉ được công bố khi hai bên (VFF và tân HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam) chuẩn bị ký kết hợp đồng chính thức”.

Ở góc độ khác, hiện số lượng ứng cử viên cho vị trí kế nhiệm Troussier đã lên tới… 10 gương mặt, trong đó có những tên tuổi rất “khủng” như nhà cầm quân nổi tiếng tại Bundesliga (giải đấu cao nhất nước Đức) Marco Pezzaiuoli - người từng đảm nhiệm chức vụ trợ lý cho HLV Ralf Rangnick (cựu thuyền trưởng câu lạc bộ lừng danh xứ sương mù Man Utd). Các nhà cầm quân khác cũng không quá xa lạ với khán giả cả nước, như Alexandre Polking từng ngồi ghế chỉ đạo ở đội tuyển Thái Lan hoặc chiến lược gia Gong Oh Kyun đã hành nghề ở V.League một thời gian trong vai trò HLV CLB Công an Hà Nội. Hai HLV này cùng với 7 đồng nghiệp khác là HLV Lee Young-jin, HLV Akira Nishino, HLV Kim Do-hoon, HLV Kim Sang-sik, HLV Luisma Hernandez, HLV Roberto Donadoni, HLV Marco Pezzaiuoli đều ở trạng thái “người chờ việc” khiến “nguồn cung” trở nên rất dồi dào.

Cần nói thêm là ở bận “chọn mặt gửi… ghế” lần này, Liên đoàn đã lưu ý đến một yêu cầu khá mới mẻ, đó là HLV trưởng phải biết “tạo quan hệ tốt đẹp” với truyền thông. Điều này không khó giải thích bởi trong “kỷ nguyên Troussier”, ông thầy người Pháp đã không ít bận có những phát ngôn mang tính “thách thức” dư luận, kiểu như “đừng can thiệp vào chuyên môn của tôi!”. Sự đúng - sai, cần thiết - không cần thiết của tiêu chí này ra sao (?), nhưng có một thực tế là dưới thời HLV Park Hang-seo, nhà cầm quân người Hàn Quốc luôn rất được lòng dư luận, kể cả khi Đội tuyển Quốc gia không đạt được kết quả tốt nhất.

Còn hai tháng nữa Đội tuyển Quốc gia mới bước vào đợt tập trung mới.

Và vì vậy, câu chuyện “hậu Troussier” vẫn lơ lửng ở cái thế “khán giả cần nhưng Liên đoàn chưa vội!”, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Về lý là như vậy nhưng diễn biến sân cỏ nước nhà lúc này cho thấy “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Như đã nói, không phủ nhận tính “thủ tục” ở hai trận đấu gặp Philippines và Iraq tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á, song nếu để đến cuối tháng 5 mới “chốt kèo”, trong khi trận gặp Philippines trên sân nhà sẽ diễn ra vào ngày 6/6/2024, đồng nghĩa vị tân HLV trưởng chỉ có chừng trên dưới… một tuần lễ để lắp ráp, lên sơ đồ chiến thuật.

Phải chăng, Liên đoàn xác định “buông” cả hai trận đấu này và xem đó chỉ là dịp để… thử nghiệm?

 

Bình luận

    Chưa có bình luận