Dưới thời HLV Philippe Troussier, bóng đá Việt Nam thất bại ở SEA Games (thua trước chính U23 Indonesia trong trận Bán kết), chẳng nên “cơm cháo” gì tại Asian Cup, tuột dốc trên bảng xếp hạng FIFA và gần như đã hết cơ hội ở vòng loại World Cup 2026; vì lẽ đó, theo quan điểm của không ít khán giả, việc ông Troussier lên “đoạn đầu đài” cần phải được tiến hành sớm hơn.
Trên thực tế, đúng như phân tích của nhà cầm quân người Pháp, Việt Nam vẫn còn 1% cơ hội đi tiếp nếu như toàn thắng (khả năng rất khó xảy ra), đồng thời Indonesia “phơi áo” ở hai trận đấu cuối tại vòng sơ loại thứ hai - World Cup 2006. Nói cách khác, nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng ở thời điểm hiện tại, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ phải tốn không ít ngân khoản đền bù. Song, dường như vị HLV này cũng cảm thấy nên rời khỏi băng ghế huấn luyện trong bối cảnh người hâm mộ Việt Nam đã “ngán đến tận cổ” và đã chấp nhận cùng Liên đoàn “thương thảo chấm dứt hợp đồng” trước thời hạn mà không đền bù hợp đồng.
Ở khía cạnh khác, trong bóng đá, “quân thua, tướng bị trảm” (hay từ chức) đã không còn là chuyện lạ. Chúng ta đã chứng kiến Nguyễn Hữu Thắng, T.Miura hay xa hơn là nhà cầm quân người Đức Falko Goetz - lần lượt, kẻ chủ động rời chiếc “ghế nóng”, người được VFF “đề nghị thanh lý hợp đồng” qua thư điện tử (trường hợp HLV Falko Goetz) khi đội tuyển Việt Nam (hoặc U23 Quốc gia) “thất bại toàn tập” tại một sân chơi. Vì vậy, việc ông Troussier phải “khăn gói lên đường” dẫu để lại không ít xót xa, nuối tiếc nhưng đó là một phần tất yếu của nghiệp “cầm quân”.
Song, điều đáng nói là đội tuyển Việt Nam “hậu Troussier” sẽ mang hình hài, dáng dấp ra sao? Theo lộ trình, nhiều khả năng VFF sẽ lựa chọn một nhà cầm quân nội (có thể là Hoàng Anh Tuấn) “tạm quyền” để đi hết vòng loại thứ hai World Cup 2026. Và sau đấy sẽ là một hành trình dài với không ít thao tác “nâng lên đặt xuống” để chọn lựa một gương mặt sáng giá chính thức ngồi ghế HLV trưởng.
Quan trọng hơn, kẻ kế nhiệm ông Troussier sẽ xây đắp “ngôi nhà” mang tên Đội tuyển Quốc gia như thế nào? Bởi trong hơn một năm tại vị, chiến lược gia này đã theo đuổi một triết lý bóng đá riêng biệt, có thể nói là khá “dị” khi đề cao khả năng kiểm soát bóng nhưng không hiệu quả (số lượng bàn thắng của hàng công Đội tuyển Việt Nam rất hạn chế). Ông Troussier cũng “nói không” với chân sút rất được kỳ vọng là Quang Hải (các tên tuổi khác như Văn Thanh, Văn Toàn… rất ít được sử dụng) mà đặt nhiều tâm trí vào việc xây dựng một bộ khung mới.
Nói cách khác, nếu như HLV Troussier tiếp quản một “cơ đồ” khá hoàn chỉnh, vận hành trơn tru từ người tiền nhiệm Park Hang-seo thì người kế nhiệm ông sẽ phải đối mặt với một sơ đồ, triết lý dang dở. Đây vừa là thuận lợi cho nhà cầm quân nào có ý định “đập đi xây lại” nhưng cũng là khó khăn nếu muốn “tái thiết”. Nhưng dẫu là “xây mới”, hay “sửa chữa” thì đấy đều là lộ trình dài, cần tới vài năm. Trong trường hợp lộ trình này là hợp lý, đúng đắn - liệu người hâm mộ có đủ kiên nhẫn để chờ tới ngày sân cỏ quốc nội lấy lại hào quang. Bi kịch hơn nữa là khi người kế nhiệm Troussier không đi đúng hướng thì chẳng biết bao giờ túc cầu giáo nước nhà mới lấy lại được vị thế “ông lớn” như dưới “triều đại” Park Hang-Seo.
Xem ra, phía sau bản hợp đồng dang dở với “Phù thủy trắng” là không ít thách thức cho Liên đoàn bóng đá nước nhà.