Dẫn chứng thì rất nhiều, nhưng chúng tôi muốn nhắc đến thất bại của đội U22 Việt Nam trước U22 Thái Lan diễn ra cách đây 2 năm. Tại lượt trận cuối vòng bảng SEA Games 29 năm ấy, các học trò của cựu HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng đã bất ngờ thua thảm tới 0-3 và bị loại ngay từ vòng bảng. Trận thua mà chính chiến lược gia Worrawoot Srimaka của đội bạn cũng tỏ ra ngỡ ngàng, không hiểu chuyện gì đã và đang xảy ra với một tập thể từng ghi tới 12 bàn thắng trước Timor Leste, Campuchia và Philippines nhưng lại trở nên “nhỏ bé”, yếu đuối đến bạc nhược trước đội bóng xứ Chùa vàng.
Sự “khó hiểu” ấy thực ra là bởi ông Srimaka không muốn nhắc đến “sự thật mất lòng”, rằng túc cầu giáo Việt Nam luôn “cóng” trước Thái Lan. Những trận thua trong quá khứ khiến nhiều lứa cầu thủ Việt Nam cứ đối đầu với họ là… run sợ. Đáng nói hơn, sự yếu bóng vía này chịu tác động từ sự lây lan, “di truyền” qua nhiều thế hệ bởi không ít kẻ theo nghiệp “quần đùi áo số” chưa từng “so găng” với đối thủ. Nói cách khác, dù đã nhiều thập kỷ trôi qua nhưng bóng đá Việt Nam vẫn thường xuyên “tự bức tử” trong những ảm ảnh tâm lý mơ hồ.
Nhưng “mùa thu nay khác rồi”, chiến thắng “4 sao” của U23 Việt Nam trước U23 Thái Lan trong lượt trận cuối cùng bảng K, vòng loại U23 châu Á 2020 không chỉ giúp thầy trò ông Park Hang Seo cởi bỏ áp lực thành tích mà còn khiến nhà cầm quân xứ Hàn tự tin đăng đàn: Từ nay không còn sợ người Thái!
Ai đó có thể vin vào những lý do kiểu như: Dưới triều đại Park Hang Seo, ngoại trừ 90 phút giao hữu ở giải M150, chúng ta chưa có một thử thách thực sự trước người Thái để hoài nghi về sự “lột xác tâm lý” này nhưng diễn biến sân cỏ đã chứng minh: Đúng là “thầy Park” không hề run sợ trước Thái Lan.
Sơ đồ 3-5-2 với mục đích khống chế khu vực giữa sân mà ông Park Hang Seo áp dụng trước “người Thái” hoàn toàn đối lập với đội hình xuất phát 4-5-1 hoặc 5-3-2 thiên về phòng ngự truyền thống. Điều này có nghĩa “thầy Park” không cam chịu thân phận “đàn em”. Ông chọn lối chơi chủ động và khi đã kiểm soát được khu trung tuyến, U23 Việt Nam đã rất tự tin phô diễn kỹ thuật, phối hợp đập - nhả, chuyền ban liên tục. Kể cả khi đã dẫn trước 2 bàn và U23 Thái Lan bị đuổi một cầu thủ (tiền đạo Supachai Jaided), đội tuyển của chúng ta vẫn không chấp nhận co cụm phòng ngự, “đổ bê tông” trước cầu môn Bùi Tiến Dũng.
Xác định được 16 anh tài châu lục
Vòng loại U23 châu Á đã khép lại đồng thời cũng xác định được 16 anh tài châu lục giành vé tham dự Vòng Chung kết sang năm đó là Thái Lan (chủ nhà), 11 đội xếp nhất các bảng gồm: Qatar (bảng A), Bahrain (bảng B), Iraq (bảng C), UAE (bảng D), Jordan (bảng E), Uzbekistan (bảng F), Triều Tiên (bảng G), Hàn Quốc (bảng H), Nhật Bản (bảng I), Việt Nam (bảng K) và Trung Quốc (bảng J), cùng 4 đội hạng nhì có thành tích tốt nhất là Australia, Iran, Syria và Saudi Arabia.
Vòng Chung kết diễn ra từ ngày 8 - 26/1/2020 tại 4 SVĐ thuộc hai thành phố: Bangkok và Pathum Thani (Thái Lan). 3 đội bóng đứng đầu sẽ giành vé tham dự Olympic 2020 (môn bóng đá nam) tại Nhật Bản.
|
Dĩ nhiên “thần thiêng bởi bộ hạ thiêng”, sự nhạy bén trong chiến thuật cùng những toan tính điều chỉnh hợp lý về mặt nhân sự của ông Park Hang Seo chỉ nên áp dụng và phát huy tác dụng khi dưới sự điều khiển của “thầy Park” là một loạt cầu thủ chất lượng. Đó là một Văn Hậu - hậu vệ biên tốt nhất sân cỏ Việt thời điểm hiện tại, một Quang Hải sớm bộc lộ và vẫn duy trì được tố chất thiên tài hay Tấn Sinh, Tấn Tài dẫu còn “non” cả tuổi đời lẫn tuổi nghề nhưng đã chơi một trận rất xuất sắc.
Tóm lại, dưới thời HLV trưởng người Hàn không chỉ đem lại thành công tức thì cho bóng đá Việt Nam mà còn giúp chúng ta “vỡ” ra nhiều điều. Từ con người, chiến thuật, nhưng quan trọng hơn chính là dám xóa bỏ mặc cảm tự ti khi đối đầu Thái Lan để cướp chiếc “vương miện” của bóng đá khu vực!
U23 Việt Nam được xếp vào nhóm hạt giống số 1
Ngay sau khi vòng loại khép lại, Liên đoàn bóng đá châu Á đá chính thức công bố nhóm 4 nhóm hạt giống để chuẩn bị bốc thăm vòng bảng vòng chung kết Asian Cup 2020 (tổ chức tại Thái Lan). Với tư cách đương kim á quân, U23 Việt Nam được xếp vào nhóm hạt giống số 1 cùng với chủ nhà U23 Thái Lan, đương kim vô địch U23 Uzbekistan và U23 Qatar. Nhóm 2 có sự góp mặt của U23 Nhật Bản, U23 Iraq, U23 Hàn Quốc và U23 Triều Tiên. Các đội U23 Trung Quốc, U23 Australia, U23 Jordan và U23 Saudi Arabia thuộc nhóm hạt giống số 3. Nhóm 4 có U23 Syria, U23 Iran, U23 UAE và U23 Bahrain.
|