Nói cách khác, thương hiệu Thể Công một thời lừng lẫy sẽ tái xuất hiện trên bản đồ bóng đá nước nhà!
Ai cũng biết, Thể Công là một trong những tập thể giành được nhiều danh hiệu nhất ở giải quốc nội khi đoạt Siêu Cúp Việt Nam năm 1999; vô địch giải quốc gia các mùa: 1981/82, 1982/83, 1987, 1990 và 1998. Đi cùng với chuỗi thành tích ấn tượng là lượng fan rất hùng hậu. Thậm chí, một số cổ động viên trung thành của đội bóng này từng khẳng định trước truyền thông, rằng: Một lần Thể Công - mãi mãi Thể Công!
Tập thể này rớt hạng (năm 2004), rồi đổi tên thành Thể Công Viettel (2005), trở lại “thương hiệu” Thể Công (2007) và chính thức “thoát ly” khỏi hào quang quá khứ - chỉ còn là CLB Viettel (năm 2009). Kể từ đó đến nay, Viettel FC từng vô địch V.League (2020) hoặc phải chuyển suất chơi chuyên nghiệp cho Thanh Hóa; một thời gian dài, Viettel gần như chỉ duy trì “mảng” đào tạo trẻ. Tại giải hạng Nhất năm 2018, CLB Viettel đoạt chức vô địch để lên chơi V.League 2019. Song, dẫu là “thăng” hay “trầm” trong suy nghĩ của người hâm mộ Viettel FC, “hồn cốt” của đội bóng vẫn là hai tiếng “Thể Công” lừng danh một thuở. Chẳng thế mà cách đây 3 năm, trong ngày Viettel FC giành vòng nguyệt quế ở giải chuyên nghiệp, hàng loạt băng - rôn mang thông điệp “Thể Công vô địch” đã được giăng mắc khắp các khán đài!
Tạm gác câu chuyện của Thể Công để nói về một chuyện động khác, cũng liên quan đến thương hiệu một đội bóng chuyên nghiệp mà chúng tôi đã đề cập cách đây chưa lâu: CLB Hoàng Anh Gia Lai đệ đơn gắn nhãn hiệu LPBank - để trở thành LPBank HAGL. Theo tiết lộ của ông bầu Đoàn Nguyên Đức, việc thêm “đuôi” doanh nghiệp là rất quan trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp tới “nồi cơm” của đội nhà. Nên dẫu biết việc đội bóng phố Núi “gánh” cùng lúc hai thương hiệu là phạm quy nhưng ông chủ của Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMC vẫn “năn nỉ” Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cho “cơ chế ngoại lệ”.
Không khó để nhận thấy, cùng một hiện tượng đổi tên, nhưng Viettel và Hoàng Anh Gia Lai có sự khác biệt đáng kể về bản chất; và quan trọng hơn là cùng nhằm mục đích tìm kiếm trợ lực cho CLB. Một đằng là Viettel đã hơn một lần “ngự” trên đỉnh cao nhất V.League nhưng có vẻ như chừng đó vẫn chưa đủ để tập thể này trở thành đội bóng lớn, chưa thể trở thành thỏi nam châm hút người hâm mộ. Nói cách khác, vẫn những con người ấy và mô hình ấy, chuyện Viettel được “hô biến” thành Thể Công Viettel chỉ là liều doping tinh thần, thậm chí mang hơi hướng “ăn mày dĩ vãng”, bởi trước hiện tại và tương lai không mấy tươi sáng nên họ đành lấy quá khứ làm điểm tựa! Phía bên kia là “đại gia phố núi Pleiku” từng nhiều phen khuynh đảo thị trường chuyển nhượng, sở hữu tới hai chiếc cúp vô địch V.League trong phòng truyền thống cũng phải tìm kiếm thêm doanh nghiệp chống lưng.
Vì lẽ đó, với người hâm mộ Thể Công nói riêng, các tín đồ túc cầu giáo nước nhà chung, đây là chuyển động đáng mừng. Trước hết, việc đội nhà đổi tên mang tính chất “hoài cổ” chứ không phải “đèo bòng” thêm doanh nghiệp theo tên gọi. Khi không còn phải lo chuyện “làm kinh tế”, Thể Công Viettel chỉ phải tập trung vào… chuyên môn. Sau nữa, đúng như lý giải của một số chuyên gia, việc “thêm chữ” (Thể Công) vào tên gọi phần nào tập thể này sẽ giống chuyên nghiệp hơn, giống như các nền bóng đá phát triển (ở các quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha… các CLB có thể đổi chủ, đổi nhà tài trợ rất nhiều lần song không được đổi tên).