Dõi theo màn trình diễn thăng hoa của lứa đàn em khi gặp ĐT Indonesia trong trận chung kết nội dung 4 nữ - môn cầy mây của Á vận hội Hàng Châu, ngôi sao một thời của cầu mây nữ Việt Nam Lưu Thị Thanh thực sự xúc động, nỗi xúc động không khác là bao so với cảm giác hạnh phúc khi cô cùng Hải Thảo, Bích Thuỳ giành HCV ASIAD 2006.
Cách đây 17 năm, tại ASIAD 15 trên đất Qatar, ĐT cầu mây nữ với thế hệ vàng gồm Lưu Thị Thanh - Hải Thảo - Bích Thùy bất ngờ đánh bại đối thủ rất mạnh Thái Lan, để mang về cú đúp HCV đôi nữ và đồng đội nữ. Đến Hàng Châu năm nay, mỗi đội chỉ được đăng ký tranh tài ở 2/3 số nội dung môn cầu mây. Thái Lan không dự nội dung đồng đội 4 người nam, nữ là cơ hội lớn để cầu mây nữ Việt Nam đổi màu huy chương, bởi tại ASIAD 2018, đội 4 người nữ Việt Nam giành HCB khi thua Thái Lan ở trận chung kết. Bớt được một đối thủ mạnh, nhưng trình độ của Indonesia, Myanmar cũng rất tốt, so tương quan sức mạnh gần như 50-50 với cầu mây Việt Nam.
Ở vòng bảng, các học trò của HLV Trần Thị Vui lần lượt thắng Nhật Bản và Myanma cùng tỷ số 2-0, vượt qua Indonesia 2-1. Sau đó, đánh bại Trung Quốc 2-0 ở bán kết, rồi tiếp tục vượt qua Indonesia khi tái đấu ở chung kết. Đó là trận chung kết thực sự hồi hộp.
Sec 1, đội Việt Nam mắc khá nhiều lỗi phát bóng và thua 18-21. “Đầu hiệp một em bị đau. Đội bạn phát cầu, đội em không ăn được điểm trực tiếp nên lúc đó em thấy rất khó khăn và lo lắng. Nhưng nhờ đồng đội và thầy cô động viên nên em tự tin hơn và làm tốt lại” - chủ công Trần Thị Ngọc Yến kể lại.
Sang sec 2, Đội Việt Nam thắng lại 21-18, rồi thăng hoa trong sec 3 quyết định để thắng áp đảo 21-14, qua đó lội ngược dòng giành chiến thắng chung cuộc 2-1. “Tấm HCV sau 17 năm chờ đợi, với bộ môn cầu mây rất có ý nghĩa. Em thấy rất vui và tự hào vì đã đóng góp một phấn trong tấm HCV này” - Nguyễn Thị My chia sẻ.
2 năm liên tiếp 2022 và 2023, Đội cầu mây nữ Việt Nam vô địch thế giới nội dung này, dù vậy nhóm tuyển thủ Nguyễn Thị My, Nguyễn Thị Yến, Trần Thị Ngọc Yến, Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Trần Thị Hồng Nhung, Lê Thị Tú Trinh không hề chủ quan, bởi mục tiêu ASIAD chưa bao giờ dễ dàng. Trước khi dự ASIAD 19, họ đã thi đấu SEA Games 32 rồi giải vô địch thế giới, giải vô địch châu Á. Xen kẽ các giải đấu là quá trình tập luyện chuyên môn. Mỗi ngày, ngoài bài tập thể lực, cầu thủ còn tập với cầu không dưới 10 giờ đồng hồ chia theo hai buổi sáng chiều. Ngoài tập luyện bền bỉ, theo HLV Nguyễn Thị Vui, bí quyết chiến thắng còn nằm ở niềm đam mê với cầu mây và tình đoàn kết giữa các VĐV: “4 VĐV ở 4 địa phương khác nhau. Thế nhưng khi thi đấu các bạn gắn kết rất tốt. Các bạn dự SEA Games, giải Vô địch châu Á, giải Vô địch Thế giới rồi ASIAD đều có sự gắn kết thông suốt từ đầu đến cuối. Trong quá trình tập luyện tôi thấy các bạn chăm sóc nhau từ chuyên môn đến sinh hoạt, từ những việc nhỏ khiến tôi thấy rất xúc động”.
17 năm về trước, các nữ tuyển thủ Việt Nam cùng Thái Lan giành giật nhau từng điểm số suốt gần 4 giờ để chạm đỉnh vinh quang. Ngày 6/12/2006 là cột mốc mới với cầu mây nước ta với tấm HCV ASIAD đầu tiên. 17 năm sau, hậu duệ của Lưu Thị Thanh đã viết tiếp vinh quang. Mỗi thời điểm, các cô gái cầu mây đăng quang theo một cách khác nhau nhưng đều mang đến cảm xúc vỡ òa../.