Nhiều tín hiệu tích cực sau lượt trận khai mạc

Cuối tuần qua, giải Bóng đá chuyên nghiệp quốc gia - V.League 2023-2024 đã chính thức khai mạc.

 

Ngoài những thay đổi về khung thời gian (bắt đầu từ mùa thu và kết thúc vào hè sang năm), giải năm nay cũng ghi nhận một đổi thay rất đáng kể khi công nghệ VAR chính thức được áp dụng rộng rãi.

Công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) đã hiện diện tại 4/6 sân cỏ cả nước, đó là ở các màn chạn trán: Hải Phòng FC - Hoàng Anh Gia Lai, Thanh Hóa FC - Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, CA. Hà Nội - Quy Nhơn Bình Định và Nam Định FC - Quảng Nam FC. Công nghệ đã lập tức phát huy tác dụng trong nhiều pha bóng, tình huống “nhạy cảm”. Chẳng hạn như việc trọng tài Nguyễn Đình Thái quyết định thổi phạt đền khi cầu thủ Pape Diakite (HAGL) để bóng chạm tay trong vòng cấm (đội bóng đất Cảng đã hiện thực hóa cơ hội này bằng bàn thắng đầu tiên của V.League 2023/2024); kịch tính hơn nữa là ở phút bù giờ thứ năm trên sân Thiên Trường, sau khi “check VAR”, vị “vua sân cỏ” Nguyễn Trung Kiên đã có đủ căn cứ để chỉ tay vào chấm phạt đền, giúp thày trò huấn luyện viên Vũ Hồng Việt giữ lại 3 điểm “nghẹt thở” cho đội bóng Thành Nam.

Câu lạc bộ TP. Hồ Chí Minh đã mở màn thuận lợi mùa giải V-League 2023.2024 bằng chiến thắng 2-0 trước khách Khánh Hòa trên sân nhà Thống Nhất (Ảnh: Câu lạc bộ TP. Hồ Chí Minh)

Dĩ nhiên, “trọng tài VAR” không thể mang lại những trận cầu “mười phân vẹn mười” bởi đâu đó, trên ca-bin huấn luyện vẫn còn những điều tiếng phàn nàn. Điển hình như nhà cầm quân Chu Đình Nghiêm của đội bóng đất Cảng, cho rằng cần bố trí nhiều góc quay hơn nữa. Ở khía cạnh khác, một số trọng tài, do quá ý thức về sự hiện diện của VAR nên vô tình đánh mất sự quyết đoán, dũng cảm cần thiết, hay nói đúng hơn là không còn sự tự tin đối với các phá bóng nhanh nên có phần lạm dụng máy quay. Nhưng đáng kể nhất chính là VAR gần như đã dẹp bỏ hoàn toàn những lời chỉ trích nhắm vào đội ngũ trọng tài sau trận đấu như các mùa giải trước.

Đi vào một số diễn biến cụ thể, thí dụ như sân Thanh Hóa. Các học trò của vị HLV ngoại Popov mặc dù chia điểm trên sân nhà nhưng lối chơi cống hiến, “có lúc Thanh Hóa chơi tấn công với 8 cầu thủ” (nhận định của HLV câu lạc bộ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh - Nguyễn Thành Công về đối thủ) thực sự đã mang lại sự phấn khích cho các khán đài. Giải thích cho lối đá “vị khán giả” này, nhà cầm quân người Bulgaria cho biết: Chẳng vì trong tình thế phải rượt đuổi tỉ số mà Thanh Hóa FC mới chơi tấn công. Đây là chủ trương tôi đã quán triệt cho toàn đội trong mùa giải này. Ngoài các yếu tố: Thành tích, bản sắc… một đội bóng muốn chiếm được tình cảm của người hâm mộ thì phải chơi tấn công. Để V.League có thể kéo khán giả đến sân thì cần nhiều hơn nữa các tập thể tôn thờ bóng đá duy mỹ.

 Phát biểu của HLV Popov dễ khiến người ta liên tưởng tới triết lý “thua cũng phải đẹp” của ông bầu Đoàn Nguyên Đức, cũng là người gây dựng Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Mùa giải 2015, sau khi đôn lứa cầu thủ trẻ là sản phẩm từ lò đào tạo của mình lên chơi V.League, “bầu Đức” không ngần ngại khoát tay chỉ đạo: Đội phải chơi tấn công, không cần quan tâm đến kết quả cuối cùng!

Không ai có thể phủ nhận, dưới sự chỉ đạo của HLV trưởng (cũng là “giảng viên đứng lớp” của lò đào tạo) Graechen, những Văn Toàn, Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… luôn nhập cuộc và chuyền ban, đập - nhả “đẹp như trong giáo áo”. Chính thứ bóng đá đẹp ấy đã giúp Hoàng Anh Gia Lai trở thành đội bóng có lượng fan (người hâm mộ) lớn nhất V.League, “đi tới đâu cháy vé tới đó”.

Song, cũng chính HAGL, hơn một lần phải trở thành nạn nhân của triết lý mà họ đã tôn thờ. Mùa giải năm ấy, bất chấp cảnh báo của các chuyên gia về một giải đấu khắc nghiệt với không ít “chiêu”, “mánh”, “tiểu xảo”… HAGL vẫn duy trì phong cách “vị nghệ thuật” và liên tục rơi vào bi kịch luẩn quẩn: Vì đá đẹp nên thua, càng thua càng cố đá đẹp, càng thua…

Tuy nhiên, đó là câu chuyện ở “thì tương lai”, còn hiện tại, những gì diễn ra ở vòng 1 đang hứa hẹn đem lại nhiều khởi sắc tại V.League 2023 - 2024./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận