Mới đây nhất Bình Thuận FC đã đệ đơn xin Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho phép… chơi ở hạng thấp hơn.
Nền giáo dục nước nhà từng nhức nhối với hiện tượng “ngồi nhầm lớp” Điển hình là sự việc trước đây ở trường Trung học cơ sở Lê Vĩnh Hòa (Sóc Trăng) có học sinh lớp 6 chưa đọc thông viết thạo. Trước sức ép của dư luận, lãnh đạo tỉnh và nhà trường đã yêu cầu em học sinh này chuyển từ lớp 6 xuống lớp 1. Nguyên nhân chính của hiện tượng này, không gì khác ngoài việc nhiều cơ sở giáo dục vì muốn “đẹp mặt” nên Ban giám hiệu đã “bật đèn xanh” cho giáo viên “làm đẹp học bạ” của học sinh, nhằm hướng đến một bản “báo cáo đẹp” cuối năm, rằng: Không có học sinh lưu ban.
Trái ngược với “bệnh thành tích” của ngành giáo dục; bệnh “viêm màng túi” trên sân cỏ đã dẫn đến một “lộ trình ngược” khi không ít tập thể không muốn/ không dám “lên lớp”. Thậm chí, (như đã nói) trước thềm mùa giải mới, lãnh đạo câu lạc bộ bóng đá Bình Thuận (xếp hạng 5 tại giải hạng Nhất 2023) đã đệ đơn lên Ban tổ chức, xin được… tụt hạng do “Không có kinh phí, không chi được kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước đối với đội bóng hạng Nhất trở lên (tức hạng chuyên nghiệp) và chưa đáp ứng được các điều kiện cấp phép bóng đá chuyên nghiệp” - văn bản xin “xuống chơi ở hạng thấp” của tập thể này nêu rõ.
Cần biết rằng, theo điều lệ của VFF, hai sân chơi: V.League và giải hạng Nhất mang tính chuyên nghiệp, ngoài việc phải đảm bảo tài chính còn phải đáp ứng các tiêu chí về sân bãi, đào tạo trẻ… Đấy chính là rào cản lớn khiến nhiều tập thể không dám “khoác áo chuyên”. Đơn cử như ở giải hạng Nhì mùa bóng 2020, CLB Gia Định sau khi thăng hạng Nhất đã nộp đơn tình nguyện… tiếp tục chơi ở giải hạng Nhì.
Nghiệt ngã hơn nữa chính là Bình Thuận FC sau một năm “gồng mình” chơi ở hạng Nhất và không thể “cố nữa, cố mãi”, họ đành chấp nhận buông xuôi, xin chơi ở giải nghiệp dư (hạng Nhì) cho… dễ thở! Cần nói thêm là theo nhiều nguồn tin thì hậu trường đội bóng này đang lâm vào cảnh “nợ nần chồng chất”: Nợ đọng lương thưởng, thậm chí khẩu phần ăn của cầu thủ cũng bị cắt xén…
Song, xét cho cùng thì việc “người Bình Thuận” xin chơi ở hạng đích thực dành cho mình, không dám “ngồi nhầm lớp”,… ít nhiều họ đã nhận được sự thông cảm của khán giả bởi thà rằng họ dũng cảm phơi ra sự nghèo khó, chấp nhận “lưu ban” còn hơn cố chạy theo cái danh hão (là đội bóng tham dự giải chuyên nghiệp hạng Nhất) nhưng không giải quyết được căn nguyên của vấn đề và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giải đấu, thậm chí làm xấu hình ảnh sân chơi chuyên nghiệp nước nhà.
Chuyện của Bình Thuận ở mùa bóng 2023 - 2024 cũng như Gia Định FC cách đây vài năm (chúng tôi tin rằng còn không ít đội bóng khác đang và sắp rơi vào bi kịch tương tự) một lần nữa gióng lên những hồi chuông báo động mạnh mẽ về cái gọi là lộ trình, chiến lược phát triển bóng đá ở nhiều địa phương. Mong là Ban tổ chức, quan chức, liên đoàn bóng đá các tỉnh - thành suy nghĩ nghiêm túc và hoạch định con đường phát triển thích hợp và mang tính bền vững; không thể cứ xua cầu thủ ra sân tranh bóng mà chẳng biết đội bóng sẽ đi đâu, về đâu.