Cần chuyên nghiệp từ hệ thống chiếu sáng!

Nhằm khắc phục tình trạng 'tăm tối' do hệ thống chiếu sáng không đạt chuẩn, CLB Bình Định đề nghị BTC đẩy các trận đấu trên sân nhà của Bình Định FC lên 16h30.

 

Trong khi đó theo quy định của Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, các giải đấu diễn ra theo các khung giờ các khung giờ 18h00, 19h15.

Việc “đội bóng đất Võ” phải từ bỏ mác “thiếu gia” và trở lại trạng thái “ăn đong” tại V.League 2023 - 2024 đã nằm trong dự đoán của nhiều người khi nhà tài trợ chính của đội không còn đồng hành cùng Bình Định FC ở mùa giải mới. Tuy nhiên, khó tới mức không thể nâng cấp giàn đèn thì quả là… khó nói. Và quan trọng là thực tế ấy đã xới lại những chuyển động thiếu chuyên nghiệp những tưởng đã “ngủ yên” trong quá khứ.

Từ một thập kỷ trước, sau khi được “đặc cách” lên chơi V.League (do có hơn một đội bóng chuyên rút lui vì không đủ kinh phí), “người Đồng Nai” đã khiến cả làng “mắt tròn mắt dẹt” khi… mặc cả với BTC, đại ý là: Các trận đấu trên sân Đồng Nai phải được đá sớm hơn chừng 1 tiếng vì đội chưa đủ tiền nâng cấp giàn đèn theo Điều lệ của giải! Để đảm bảo đủ số lượng CLB chơi V.League, BTC đã chấp thuận yêu cầu này!

Đáng nói hơn, trực trạng cầu thủ phải thi đấu trong cảnh “bóng tối bủa vây” không chỉ xảy ra ở Đồng Nai. Theo khảo sát của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), đến năm 2019 (tức là gần hai thập kỷ lên chuyên nghiệp) nhưng sân chơi “sang” nhất làng vẫn có tới 6/14 CLB có hệ thống chiếu sáng không đạt chuẩn chuyên nghiệp; và người ta đã khắc phục bằng những giải pháp “chẳng giống ai”. Nếu như sân Đồng Nai được ưu tiên cho “đá sớm” thì tân binh V.League 2020 là Hồng Lĩnh Hà Tĩnh FC lại đặt vấn đề với lãnh đạo “đội bóng làng giềng” Sông Lam Nghệ An… cho mượn sân Vinh để thi đấu do sân nhà chưa kịp nâng cấp giàn đèn chiếu sáng.

Không còn nghi ngờ gì nữa, chuyện hệ thống ánh sáng ở các sân bóng Đồng Nai, Hà Tĩnh và gần đây nhất là Bình Định FC không đơn thuần chỉ là khó khăn về tài chính mà còn phản ánh cách thức vận hành kiểu “nước tới đâu bắc cầu tới đó!”.

“Đội bóng đất Võ” phải từ bỏ mác “thiếu gia” và trở lại trạng thái “ăn đong” tại V.League 2023 - 2024.Mùa bóng 2017, khi tham gia các giải châu lục cấp CLB, hai nhà vô địch quốc nội là Hà Nội FC (dẫn đầu V.League) và Than Quảng Ninh (đăng quang ở cúp Quốc gia) đều được một phen nháo nhác khi BTC AFC cúp ra tối hậu thư: Cơ sở vật chất của cả hai sân bóng: sân Hàng Đẫy (của Hà Nội FC) và sân Cẩm Phả (của Than Quảng Ninh) đều không đáp ứng “chuẩn châu lục”. Để kịp thời gian hoàn tất thủ tục, cả hai tập thể này thương lượng với VFF và cùng đăng ký sân vận động Quốc gia Mỹ Đình làm sân nhà.

Trở lại câu chuyện của Bình Định FC, như chúng ta đã biết, để có một giàn đèn đạt chuẩn (hệ thống chiếu sáng phải đạt trên 800 lux mới có thể đáp ứng khung giờ thi đấu 17h hoặc muộn hơn) không hề đơn giản: Lắp mới thì rất đắt đỏ, còn cải tạo nâng cấp thì cần không ít thời gian mà giá thành lại không thấp hơn bao nhiêu. Ở khía cạnh khác, việc một đội bóng phải thi đấu sớm (tận dụng ánh nắng mặt trời) đồng nghĩa sẽ mất đi một lượng khán giả không nhỏ. Bởi vậy, cần có sự cảm thông ít nhiều với sân Quy Nhơn vì khi đề xuất được đá ở “khung giờ riêng”, họ là tập thể phải chịu thiệt thòi trước hết (vắng khán giả là thụt giảm nguồn thu, cầu thủ bị kiệt sức nếu liên tục phải thi đấu dưới cái nắng gay gắt).

Nhưng về lâu dài thì cần loại bỏ tư duy “ăn bợ ở tạm” này khỏi làng bóng nước nhà. Bởi hệ thống chiếu sáng (cũng như sân bãi, khán đài…) không phải hạn chế mang tính ngày một ngày hai mà nó phục vụ việc thi đấu lâu dài, năm này qua năm khác./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận