Cần phải nhắc lại quá trình chuẩn bị cho giải đấu; quả thật, người hâm mộ không thấy ở Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) quyết tâm tạo “cơn địa chấn” khi chỉ đạo mang đến Đại hội Thể thao châu Á 2022 (ASIAD) 19 một đội hình rất trẻ (đội tuyển Olympic Việt Nam thực tế chỉ là U20 mở rộng). Trong bối cảnh hầu hết các đội tuyển Olympic của châu lục đều sử dụng lực lượng mạnh nhất thì chẳng cần quá tinh tường vẫn dễ dàng “đọc vị” các quan chức bóng đá nước nhà; đó là “buông ASIAD 19” để tìm kiếm cơ hội cho các sân chơi ở… thì tương lai. Nhận định này càng được củng cố khi chính VFF - trước ngày đội tuyển Olympic Việt Nam “mang chuông đi đánh xứ người - đã không đặt ra mục tiêu, đích ngắm cụ thể. Nói cách khác, với Liên đoàn, môn bóng đá nam tại Đại hội chỉ là một cữ dượt đúng nghĩa, “được đến đâu hay đến đấy!”.
Cách đội tuyển Olympic Việt Nam nhập cuộc dễ khiến người hâm mộ liên tưởng tới hình ảnh nhiều đội bóng V.League tham dự các giải đấu châu Á cấp câu lạc bộ (AFC Cup, AFC Champion League) trong quá khứ. Chẳng hạn như ở AFC Cup 2018, trong tư thế “đại diện V.League tranh tài ở đấu trường châu lục”, tại chuyến làm khách trên đất Philippines, đội bóng bên bờ sông Mã đã trình trước thiên hạ một đội hình xuất phát khá lạ lẫm: “Sát thủ” Paper Omar được HLV tạm quyền Hoàng Thanh Tùng “cất kỹ” trên băng ghế dự bị; thủ môn dự bị Thanh Thắng án ngự trước khung thành còn trên hàng công sự hiện diện của cùng lúc 3 chân sút nội (Đình Tùng - Quốc Phương - Thanh Bình). Đáng nói hơn, đây là trận cầu mang tính chất sinh - tử đúng nghĩa: nếu không thắng, FLC Thanh Hóa sẽ bị loại.
Cũng tại giải châu lục năm ấy, trước chuyến làm khách ở Gelora Bung Karno (sân nhà của CLB Persija Jakarta - Indonesia), HLV trưởng Nguyễn Đức Thắng của Sông Lam Nghệ An đã khiến người hâm mộ cả nước không thể không sửng sốt khi chỉ mang theo vẻn vẹn 16 cầu thủ nội. Trước đội hình “què quặt” của “người xứ Nghệ” (không có, dù chỉ một trong số các trụ cột: Quế Ngọc Hải, Hồ Khắc Ngọc, Phan Văn Đức, ngoại binh Michael Olaha), chẳng khó để “đọc vị” cái gọi là “mục tiêu” của tập thể này (cũng như FLC Thanh Hóa), rằng “buông” sớm cho… đỡ hao tiền tốn của!
Luận về tâm thế của các CLB chuyên nghiệp Việt Nam ở đấu trường châu lục, cố HLV Lê Thụy Hải khi còn dẫn dắt B.Bình Dương từng có phát ngôn “để đời”: Chúng tôi buộc phải tham dự vì “trót đăng quang V.League”! Chính vì đa phần các đội bóng ở xứ ta đều nhập cuộc trong tư thế “đá cho xong” nên SHB Đà Nẵng mới thiết lập một “kỷ lục ngược” ở Champions League châu Á năm 2006: Thảm bại trước Gamba Osaka (Nhật Bản) tới 15 bàn không gỡ.
Song, đó là phép tính của các CLB (bỏ giải châu lục để tập trung cho sân chơi quốc nội) còn với đội tuyển Olympic Việt Nam, ít nhiều mang “phương diện quốc gia” nhưng lại dễ dàng “buông súng” trước khi nhập cuộc. Dẫu trước khi Ban tổ chức bốc thăm chia bảng, một quan chức VFF đã đăng đàn truyền đi thông điệp: Liên đoàn đã cùng HLV Philippe Troussier bàn bạc và thống nhất, lấy nòng cốt là các cầu thủ U20 (thay vì đội U24 như quy định của Đại hội) thì “phép tính” này (thực tế là bóng gió dọn đường cho một thất bại được báo trước) vẫn khó có thể nhận được sự đồng tình, “cảm thông” từ phía khán giả.
Nhưng dẫu sao mọi sự cũng đã rồi! Cùng chờ xem sau khi trút được “gánh nặng ASIAD 19”, Liên đoàn và ông thầy ngoại Philippe Troussier sẽ tập trung cho sân chơi nào (?) thành tích đạt được ra sao (?).