Vẫn câu chuyện 'chảy máu cầu thủ'!

Mới đây, đội bóng xứ Nghệ đã khiến người hâm mộ có một phen 'xôn xao' khi quyết định để cầu thủ trẻ Hồ Văn Cường chuyển nhượng theo dạng 'cho mượn'.

 

Một chuyển động mà chẳng cần quá tinh tường cũng nhận thấy CLB bóng đá Sông Lam Nghệ An đang… khó trăm bề!

Hồ Văn Cường thuộc dạng cầu thủ “chín sớm” của bóng đá xứ Nghệ. Được đôn lên đội 1 mới chỉ hai mùa giải nhưng Cường trưởng thành rất nhanh và sớm bộc lộ năng khiếu thiên bẩm. Tốc độ, kỹ thuật cùng những pha tạt bóng chính xác đã giúp cầu thủ trẻ họ Hồ góp mặt trong Đội tuyển Quốc gia tuyến trẻ. Trong màu áo CLB, dù mới chạm mốc 20 tuổi nhưng Hồ Văn Cường đã có tới 30 bận ra sân trong đội hình xuất phát và có 4 đường chuyền thành bàn. Giới mộ điệu sân cỏ xứ Nghệ hả hê ra mặt và lập tức xem Cường là một trong những cái tên có thể “chấn hưng bóng đá Sông Lam”, là “niềm hy vọng mới của sân cỏ xứ Nghệ”.

Song, như đã nói, Hồ Văn Cương đã từ niềm hy vọng trở thành nỗi âu lo của khán giả Nghệ An mà nguyên nhân chủ đạo, không gì khác là vấn đề “cũ rích nhưng muôn thuở”: Tài chính CLB.

Trong quá khứ, sân chơi “sang” nhất làng đã nhiều lần chứng kiến những sự kiện tương tự, thậm chí là ở quy mô lớn hơn. Chẳng hạn như sân Thanh Hóa cách đây hơn một thập kỷ. Kể từ ngày góp mặt tại sân chơi chuyên nghiệp (CLB H.Thanh Hóa thăng hạng mùa bóng 2007), với đội bóng đóng đại bản doanh tại địa chỉ 37 Lê Quý Đôn - thành phố Thanh Hóa, vấn nạn “chảy máu cầu thủ” vẫn luôn nhức nhối và để lại nhiều dư âm cay đắng. Tấm áo “con nhà nghèo” luôn khiến CLB Thanh Hóa lép vế trên trị trường chuyển nhượng và buộc phải “ngậm đắng nuốt cay” trước các “ông lớn”.

Hồ Văn Cường thuộc dạng cầu thủ “chín sớm” của bóng đá xứ Nghệ. Có thể kể tới cuộc tháo chạy của Mai Tiến Thành sang bên kia đèo Ba Dội cùng một loạt tên tuổi ưu tú dưới thời “nhạc trưởng” Trần Văn Phúc như Đồng Huy Thái, Mai Xuân Hợp,… trước thềm V.League 2008. Sau hai mùa giải, đến lứa Mạnh Dũng, Thạch Bảo Khanh,… “quyết lời dứt áo ra đi” - đến những miền đất hứa. Sự eo hẹp về tài chính cũng là nguyên nhân chủ đạo khiến CLB Thanh Hóa không giữ nổi Hoàng Đình Tùng, đành chấp nhận để cầu thủ gốc huyện Nông Cống đầu quân cho “đội bóng đất Cảng” (V.League 2012).

Trở lại câu chuyện ở “bên kia đèo Hoàng Mai” (địa giới Thanh Hóa - Nghệ An); có một thời gian “người xứ Nghệ” đã “sống khỏe” bởi sự chống lưng của tập đoàn Tân Long. Sân Vinh thậm chí còn là “địa chỉ đỏ” của giới “quần đùi áo số” quốc nội khi những Quế Ngọc Hải, Nguyễn Trọng Hoàng hay Olaha lần lượt chọn nơi này để trao gửi sự nghiệp. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp thắt chặt hầu bao cũng là thời điểm các hảo thủ như đội trưởng Quế Ngọc Hải, tiền vệ Phạm Xuân Mạnh… tìm bến đỗ mới.

Sau khi “chảy máu” hàng loạt ngôi sao, ở thời điểm hiện tại, bóng đá xứ Nghệ phải trông chờ vào các cầu thủ trẻ nhưng bi kịch vẫn chưa dừng lại. Khó khăn về tài chính khiến cho câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An cũng không thể giữ chân một cầu thủ vừa hết “tuổi teen” - chính là Hồ Văn Cường mà chúng tôi đề cập ở đầu bài viết.

Đội hình hiện tại của Sông Lam Nghệ An hiện tại, có thể nói là “không ngôi sao”. Thực trạng ấy buộc Ban huấn luyện phải dựa vào cái gọi là “khát vọng của cầu thủ trẻ” - sử dụng các nhân tố còn “non” cả “tuổi nghề” lẫn “tuổi đời”; nhiều người còn phải “chín ép” do mùa bóng mới đã cận kề.

Diễn biến giải chuyên nghiệp nhiều năm qua đã chứng minh: muốn vươn tới đỉnh cao, một đội bóng cần có nhiều cầu thủ tên tuổi cùng một nền tảng tài chính vững mạnh; song khát vọng chơi bóng hay “tự ái nghề nghiệp” vẫn là sức mạnh tiềm ẩn để một CLB nghèo về tài chính, không được đánh giá cao về lực lượng làm nên những chuyện phi thường.

Hy vọng là Sông Lam Nghệ An trong cái khó sẽ… ló cái bất ngờ!

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận