Cùng với cựu cầu thủ Pau FC, theo giới thạo tin, nhiều gương mặt sáng giá khác như tiền vệ tài hoa Hendrio Araujo Dasilva của Nam Định, Quế Ngọc Hải (SLNA) và Nguyễn Hải Huy (Hải Phòng) cũng đang “thu xếp hành lý”, điểm đến chính là đại bản doanh của đội bóng ngành công an.
Trên thực tế, không phải chờ đến khi thị trường chuyển nhượng mở “phiên giữa”, từ đầu mùa giải, CLB Công an Hà Nội đã trở thành “điểm nóng” của làng cầu quốc nội khi hậu trường tập thể này xuất hiện một loạt tên tuổi đình đàm là thủ môn Patrik Lê Giang, Đoàn Văn Hậu, Hồ Tấn Tài hay Phan Văn Đức. Binh hùng, tướng mạnh cộng với một “két sắt” khá “nặng”, không ngạc nhiên khi Công an Hà Nội FC đang là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc đua tới chức vô địch năm nay. Đặc biệt là sau chiến thắng đậm đà: 4-1 ở vòng 11, qua đó phả hơi nóng vào chính tập thể đang “ngự” trên đỉnh bảng xếp hạng là Đông Á Thanh Hóa.
Cuộc shopping quy mô lớn của lãnh đạo CLB Công an Hà Nội gợi nhớ đến một chuyển động tương tự, từng diễn ra ở hậu trưởng đội bóng đất võ cách đây đúng một mùa giải.
Trước thềm V.League 2022, với ngân khoản lên tới 300 tỷ đồng/ 3 năm (cao gấp cỡ ba lần so với nhiều đội bóng khác), “người Bình Định” không ngần ngại “vung tay quá trán”. Họ chiêu mộ cùng lúc tới 13 tân binh - đa phần đều là “hàng chất lượng cao” như: Nghiêm Xuân Tú, Mạc Hồng Quân (từ Than Quảng Ninh), Schmidt, Jermie Lynch (Hải Phòng), Hà Đức Chinh, Rafaelson (SHB Đà Nẵng), Trần Định Trọng (Hà Nội FC); lần lượt quy tụ dưới trướng một nhà cầm quân thuộc diện “có số má”: Nguyễn Đức Thắng. Bình Định FC sớm gia nhập cuộc đua tới chức vô địch V.League 2022 (tập thể này đã xếp ở vị trí thứ hai ở 4 vòng đấu).
Tuy nhiên, diễn biến sân chơi “sang nhất làng” đã chứng minh: Đồng tiền và chức vô địch là hai khái niệm không phải lúc nào cũng đồng nhất. Sự hà hơi tiếp sức của nhà tài trợ có thể giúp một tân binh “thường thường bậc trung” như Bình Định “vơ cạn”, “vét sạch” hàng loạt cá nhân xuất sắc, nhưng để “đoạt vương miện” lại là câu chuyện khác. Theo phân tích của các chuyên gia, để đăng quang, bên cạnh yếu tố “chất lượng” thì sự “ổn định” giữ vai trò quan trọng không kém. Thiếu một trong hai điều kiện này, các đội bóng “nhà giàu mới nổi” có thể trở thành “ứng cử viên”, thành “kẻ ngáng đường” nhưng chớ vội “mơ” tới ngôi vị cao nhất. Và thực tế thì Bình Định FC chỉ chiếm được vị trí thứ ba chung cuộc, dù họ có tới 4 bận “mon men” tới đỉnh bảng xếp hạng.
Trở lại câu chuyện của Công an Hà Nội, không phủ nhận thực tế, với “thế” và “lực” hiện tại, HLV Flavio Da Silva Cruz hoàn toàn có thể nghĩ tới thứ hạng cao nhất. Song, việc quan trọng không kém là chiến lược gia ngoại quốc này cần lập tức tìm đáp án cho băn khoăn muôn thuở: tại sao nhiều “đại gia V.League” như Sài Gòn Xuân Thành mùa giải 2012, FLC Thanh Hóa tại V.League 2016 và Bình Định FC năm ngoái không thể thành công với công thức “mua nhiều”, “vét cạn”? Đành rằng tiềm lực tài chính dồi dào là điều kiện tối cần thiết nhưng đó đã là đủ để một đội bóng “hóa rồng” chỉ sau một mùa giải “chân ướt chân ráo” lên V.League?
Nếu không trả lời được những câu hỏi ấy thì nhiều khả năng Công an Hà Nội sẽ lại đi vào “vết xe đổ” của các “thiếu gia mới nổi” trong quá khứ mà thôi!